Đang vững vàng đi lên, tưởng chừng VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng 720 điểm trong phiên hôm nay, nhưng vừa đi qua mốc 717 điểm, lực bán đột ngột gia tăng, khiến VN-Index lao dốc, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp và để mất luôn mốc 710 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng, sau ít phút rung lắc đầu phiên, VN-Index đã ổn định trở lại và tiếp tục đi lên, sau đó chinh phục thành công mốc 715 điểm vào cuối phiên.
Bước vào phiên giao dịch chiều, mọi việc vẫn suôn sẻ trong thời gian đầu khi VN-Index tiếp tục bay cao, tiếp cận gần hơn ngưỡng 720 điểm. Lúc này, áp lực bán đột ngột được tung vào khiến VN-Index quay đầu lao dốc.
Lực bán sau đó tỏ ra mạnh và dứt khoát nên VN-Index không có cơ hội hồi phục và kết phiên ở mức thấp nhất ngày, mất luôn mốc 710 điểm.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản tiếp tục vọt tăng mạnh, khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn vượt mức 4.200 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch 16/2, với 112 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index giảm 2,22 điểm (-0,31) về 709,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 198,42 triệu đơn vị, giá trị gần 3.688 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn, với 8,8 triệu đơn vị, giá trị trên 283,6 tỷ đồng. Các thỏa thuận đáng chú ý: 3,323 triệu cổ phiếu STG, giá trị 76,43 tỷ đồng; 1,32 triệu cổ phiếu MBB, giá trị 19,8 tỷ đồng và 1,14 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 9,34 tỷ đồng.
Áp lực gia tăng mạnh, đặc biệt là tại 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí, “đôi cánh” giúp VN-Index bay cao trong phần lớn thời gian của phiên, bị gãy gập.
CTG may mắn giữ được mốc tham chiếu, còn lại VCB, BID và PVD quay đầu giảm giá. Tương tự, các mã VNM, VIC, HPG, BVH, HSG, FPT, DPM, REE, SSI, BMP… cũng chìm trong sắc đỏ.
Việc nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips đồng loạt giảm điểm nên VN-Index không có cơ hội hồi phục là điều dễ hiểu. Nhờ có GAS, ROS, SAB, STB, MBB, CII, CTD, DHG còn tăng điểm, nên VN-Index không lùi quá sâu.
Dòng tiền vẫn tập trung mạnh tại nhóm ngân hàng. STB khớp 6,17 triệu đơn vị và tăng 5% lên 10.450 đồng/CP. CTG khớp 5,8 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu 19.300 đồng/CP. BID khớp 4,2 triệu đơn vị, giảm 2% về 17.000 đồng/CP. VCB khớp 1,35 triệu đơn vị, giảm 1% về 38.600 đồng/CP.
CII có phiên giao dịch khá thành công sau khi kế hoạch kinh doanh 2017 được công bố, kết phiên tăng 4,8% lên 32.800 đồng/CP và khớp 3,46 triệu đơn vị. Các mã PVD, GAS, FPT, GMD, REE, SSI, SBT khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
ROS khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị, tăng 0,7% lên 140.400 đồng/CP nâng chuỗi tăng lên con số 36 (trong đó có 19 phiên liên tiếp).
Nhóm cổ phiếu thép cũng đa phần giảm điểm trước áp lực chốt lời, trong đó HPG, TLH và HSG giảm khá sâu, nhưng riêng POM vẫn duy trì sắc tím phiên thứ 9 liên tiếp. HPG khớp 4,49 triệu đơn vị, HSG và TLH cùng khớp trên 2,7 triệu đơn vị.
Sức ép cũng khiến nhiều cổ phiếu nhỏ quay đầu giảm điểm như OGC, HNG, SCR, DLG, FIT, GTN, HVG… tuy nhiên, những mã tâm điểm như HAG, FLC, HQC vẫn tăng tốt.
Sức cầu tại HAG đã suy giảm rõ rệt khi chỉ có hơn 4 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khớp cả phiên lên 20,79 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, FLC tiếp tục giao dịch mạnh, riêng phiên chiều khớp khoảng 8 triệu đơn vị, nâng mức khớp cả phiên lên 19,25 triệu đơn vị. HAG tăng 3,7% lên 7.050 đồng/CP, FLC tăng 1,2% lên 6.110 đồng/CP.
OGC, HQC và CDO cùng khớp hơn 6 triệu đơn vị. Với CDO, áp lực cung lớn khiến mã này mất sắc tím, qua đó số phiên tăng trần liên tục cũng dừng ở con số 12.
Ngược lại, HID và AGR cùng giảm sàn, khớp lệnh khoảng 1 triệu đơn vị.
Tương tự như trên HOSE, sàn HNX cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi nhiều mã trụ, trong đó có nhóm dầu khí giảm điểm. Đóng cửa, với 79 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,77%) về 85,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,7 triệu đơn vị, giá trị 551 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 17 tỷ đồng.
Đa phần các mã trụ trên sàn này đều giảm điểm như ACB (-2,6%), VCS (-1,2%), PVS (-1,6%), PVC (-3,3%), DBC (-1,2%)…
SHB và PVX bất ngờ khởi sắc trong phiên chiều, kết phiên, SHB tăng 2% lên 5.100 đồng/CP và khớp 8,386 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX, còn PVX tăng trần lên 2.400 đồng/CP và khớp 3,78 triệu đơn vị. Khớp trên 3 triệu đơn vị còn có PVS, KLF và DCS.
Nhóm cổ phiếu trụ suy yếu, nhưng các mã nhỏ như HKB, KVC, KSK, SPI, KDM, DPS, HDO, KKC, PXA, HDO… vẫn tăng kịch trần, trong đó, HKB khớp 3,8 triệu đơn vị, KVC khớp 2,4 triệu đơn vị, DPS khớp 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, đã có thêm những mã lớn là MSR, GEX, SEA gia nhập đội giảm điểm cùng với HVN, ACV, QNS… Tuy nhiên, sắc xanh vẫn ở lại sàn này khi nhiều mã lớn như SAS, VOC, SDI, VIB, FOX… vẫn tăng điểm.
TOP và TIS vẫn là 2 mã có thanh khoản mạnh nhất và vượt trội so với phần còn lại, tuy nhiên đều giảm điểm. TOP khớp 1,677 triệu đơn vị và TIS khớp 1,24 triệu đơn vị,
Kết phiên, UPCoM Index tăng 0,06 điểm (+0,11%) lên 55,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,25 triệu đơn vị, giá trị 89,41 tỷ đồng.
Theo Đầu tư chứng khoán