Sau nhịp điều chỉnh nhẹ nửa đầu phiên sáng, thị trường đã dần hồi phục và lấy lại sắc xanh, tiếp tục xác lập mức đỉnh mới trong 10 năm qua. Tuy vậy, biên độ tăng khá cầm chừng bởi áp lực bán đang có dấu hiệu manh nha và tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechip.
Bước vào phiên chiều, lực bán càng tăng tốc khiến gánh nặng cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các mã ngân hàng tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường. Trong khi đó, sự bứt phá của trụ đỡ GAS và các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí, chứng khoán đã tạo điều kiện cho thị trường có những nhịp hồi phục. Chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc trong phiên giao dịch chiều.
Đóng cửa, sàn HOSE có 111 mã tăng và 148 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,69 điểm (+0,1%) lên 717,24 điểm. VN30-Index giảm 2,91 điểm (-0,43%) xuống 668,61 điểm khi có 17 mã giảm, 11 mã tăng và 2 mã đứng giá.
Thanh khoản có phần giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn giữ nhịp sôi động, với tổng khối lượng giao dịch đạt 231,76 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 3.893,73 tỷ đồng.
Trong đó, đóng vai trò lực hãm chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ STB khởi sắc, còn lại các mã lớn đều nới rộng đà giảm điểm như VCB giảm 1,3%, BID giảm 0,6%, CTG giảm 1,64%, EIB giảm 1,37%.
Ở nhóm cổ phiếu ngành thép chỉ còn duy nhất POM giữ đà tăng nhẹ, còn lại hầu hết đều giảm sâu như HPG giảm tới 4,9%, HSG giảm 2,4%, TLH giảm 1,7%, NKG giảm 1,6%.
Trong khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng, hỗ trợ tốt trong các nhịp hồi như SAB tăng 2,14%, đóng cửa tại mức giá cao nhất kể từ ngày niêm yết tại 224.300 đồng/CP; ROS tăng 0,77% lên mức 144.600 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Trụ đỡ chính giúp thị trường giữ sắc xanh khi đóng cửa là GAS. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp GAS leo lên mức cao nhất trong ngày 62.000 đồng, tăng 3,9% với khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,02 triệu đơn vị. Các mã khác trong họ dầu khí cũng tăng khá tốt như PVD tăng 1,3% và khớp 3,18 triệu đơn vị; PXS tăng 3,6% và khớp 0,87 triệu đơn vị...
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán vẫn nhen nhóm tạo sóng khi đồng loạt đều giữ đà tăng khá mạnh như SSI tăng 2,4%, HCM tăng 1,1%, BSI tăng 3,3%, TVS tăng 0,2%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HQC và FLC tiếp tục được giao dịch sôi động. Trong đó, HQC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và đóng cửa tại mức giá 2.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 31,64 triệu đơn vị; còn FLC tăng 2,3% đóng cửa tại mức giá 7.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,2 triệu đơn vị.
Cặp đôi HAG - HNG tiếp tục chịu áp lực bán ra, tuy nhiên, sức ép không quá lớn khiến 2 mã này đều giảm nhẹ. Đóng cửa, HAG giảm 1% xuống mức 8.120 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 11,55 triệu đơn vị; HNG giảm 1,5% đứng tại mức giá 9.380 đồng/CP và khớp lệnh 2,31 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù nhận được sự hỗ trợ của các cổ phiếu trong nhóm dầu khí, chứng khoán nhưng cũng không đủ sức để giúp thị trường đón nhận nhịp hồi nào trước lực bán luôn thường trực.
Đóng cửa, sàn HNX có 93 mã giảm và 61 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,38%) xuống 86,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,76 triệu đơn vị, giá trị 456,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 1,86 triệu đơn vị, giá trị 34,11 tỷ đồng.
Trong đó, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán, dầu khí trên sàn HNX cũng đều khởi sắc. Cụ thể, ở nhóm chứng khoán, bên cạnh SHS giữ vững sắc tím, các mã khác tăng khá tốt như VND tăng 2,3%, BVS tăng 1,9%, CTS tăng 1,2%. HBS tăng 6,5%, IVS tăng 1,7%, MBS tăng 2%, WSS tăng 2,6%, VIX tăng 1,6%. Còn các mã họ P có PVC tăng 4,5%, PVS tăng 1%, PGS tăng 5,2%.
Trái lại, ACB không thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,44%, cùng với đà giảm của một số mã lớn khác như VCG, HUT, LAS, NTP… đã tạo gánh nặng lên thị trường.
Cổ phiếu HKB không còn giữ sắc tím nhưng tăng khá mạnh 7,5% lên sát trần 4.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX đạt 9,72 triệu đơn vị. Tiếp đó, SVN khớp 4,71 triệu đơn vị và KLF khớp 3,38 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM
Cũng giống chỉ số trên sàn HOSE, UPCoM-Index cũng đã biến động rung lắc trong phiên chiều, tuy nhiên, sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn đã giúp chỉ số này hồi nhẹ và đóng cửa trong sắc xanh.
Cụ thể, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 55,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,71 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 90,55 tỷ đồng.
Trong khi MSR tăng trần và dần thu hẹp biên độ tăng, đóng cửa chỉ nhích nhẹ so với mốc tham chiếu, tại mức giá 16.700 đồng/CP, thì MCH đảo chiều thành công với mức tăng 0,85% lên mức cao nhất ngày 70.800 đồng/CP.
TIS tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 1,38 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 10.200 đồng/CP, giảm 2,86%.