Dù có chút thận trọng sau 3 phiên tăng liên tiếp khiến thị trường chưa thể bứt phá mạnh. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các cổ phiếu lớn như VNM, MSN, cùng đà tăng lan rộng ở nhóm cổ phiếu bất động sản và sự trở lại của các cổ phiếu ngân hàng là điểm tựa chính giúp thị trường giữ sắc xanh khá vững vàng trong phiên sáng.
Mốc 710 điểm được xem là ngưỡng kháng cự khá mạnh, nên VN-Index gặp chút khó khăn trong phiên sáng. Tuy nhiên, khó khăn đã không thể “ngáng” đường trong phiên chiều khi dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường.
Lực cầu gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên giúp VN-Index nhanh chóng có chinh phục lại được ngưỡng kháng cự trên. Không dừng lại ở đây, đà tăng được nới rộng tại cổ phiếu lớn ngành bất động sản VIC, cùng các mã ngân hàng, giúp thị trường tiếp tục leo cao và dù không giữ được mức điểm cao nhất ngày, nhưng VN-Index vẫn vượt qua ngưỡng 710 điểm và lập đỉnh mới trong gần 9 năm qua.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 161 mã tăng và 84 mã giảm, chỉ số Vn-Index tăng 5,31 điểm (+0,75%) lên mức 711,57 điểm. Thanh khoản sôi động với tổng khối lượng giao dịch hơn 169 triệu đơn vị, giá trị 3.374,23 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16,83 triệu đơn vị, giá trị 510,73 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực cũng đã lan tỏa toàn thị trường giúp sàn HNX và UPCoM đều khởi sắc. Với mức tăng 0,23 điểm (+0,27%), HNX-Index đóng cửa tại 86,43 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 37,41 triệu đơn vị, giá trị 390,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,35%) lên 55,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,3 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 73,95 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục duy trì con sóng khá lớn với cổ phiếu đầu ngành tiên phong VIC tăng 4,6% lên mức giá cao nhất trong 4,5 tháng qua 44.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 2,27 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, nhiều mã vừa và nhỏ trong nhóm như CIG, HU1, QCG, UDC, VPH vẫn duy trì sắc tím.
Lực cầu vẫn hấp thụ mạnh các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng giúp các mã này tiếp tục nới rộng đà tăng điểm. Trong đó, CTG tăng 3,49% lên mức 19.300 đồng/CP và khớp hơn 4,8 triệu đơn vị; BID tăng 2,06% lên mức 17.350 đồng/CP và khớp 3,87 triệu đơn vị; MBB tăng 1,4% lên mức 14.500 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị; VCB tăng 0,78% lên mức 39.000 đồng/CP và khớp 1,42 triệu đơn vị.
Cặp đôi cổ phiếu đáng chú ý trong những phiên vừa qua là HAG-HNG vẫn chưa hết nóng. Dù HAG-HNG đều công bố khoản lỗ ròng trong năm 2016 lên tới cả nghìn tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính cũng mang đến tích cực cho cổ đông khi các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đã đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm. Điều này có nghĩa HAG sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại tập đoàn.
Bên cạnh đó, mới đây, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai ông Võ Trường Sơn cho biết, việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt động mía đường đang được tập đoàn xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong quý I/2017. Nếu các thương vụ triển khai theo đúng kế hoạch, nợ phải trả của tập đoàn này có thể giảm đáng kể sau khi công bố báo cáo tài chính quý I/2017.
Các thông tin hỗ trợ trên là động lực chính tiếp sức cho HAG tiếp tục khởi sắc, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp cùng thanh khoản khởi sắc. Đóng cửa, HAG tăng 4,3% lên mức 6.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 10,28 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FLC chính thức đảo chiều giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp. Với mức giảm nhẹ 0,2%, FLC đóng cửa tại giá 6.040 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 9,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, HKB vẫn là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất với hơn 4 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Đóng cửa, HKB giữ mức tăng 7,4% lên giá trần 2.900 đồng/CP và dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị.
Mặt khác, DST biến động mạnh khi từ mức giá trần rơi xuống chạm sàn, nhưng đã nhanh chóng bật ngược trở lại về cuối phiên và bảo toàn sắc tím. Với mức tăng 10%, DST đóng cửa tại mức giá trần 25.400 đồng/CP và khớp 2,32 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM
Trong khi MCH, MSR đã lấy lại mốc tham chiếu thì HVN vẫn chưa thoát khỏi đà giảm điểm. Đóng cửa, HVN giảm 3,26% xuống mức 41.500 đồng/CP và khớp 363.800 đơn vị.
Tuy nhiên, các mã khác trong nhóm cổ phiếu hàng không cũng dần hồi phục khi NAS, SAS dành lại mốc tham chiếu, ACV nhích nhẹ 100 đồng/CP.
TOP vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 2,44 triệu đơn vị, đóng cửa cổ phiếu này đứng tại mức giá tham chiếu 2.100 đồng/CP.