Lực cầu gia tăng ở một số mã bluechip giúp VN-Index thoát hiểm ở phút cuối. Tuy nhiên, trái với diễn biến tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechip, nhiều mã đầu cơ lại bị bán ồ ạt, khiến nhiều mã đóng cửa ở mức sàn.
Sau diễn biến giằng co trong biên độ hẹp trong gần nửa đầu phiên sáng, thị trường đã chính thức lùi về dưới mốc tham chiếu bởi áp lực bán mạnh tập trung ở các mã lớn đặc biệt là các cổ phiếu nhóm dầu khí. Chính vì vậy, dù thị trường nhận được lực đỡ từ các cổ phiếu như VNM, HSG, HPG, VIC nhưng đà tăng không đủ mạnh để giúp thị trường bật lên, chỉ số VN-Index đóng cửa dưới mốc 655 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục gia tăng mạnh đẩy VN-Index giảm sâu, về mốc 650 điểm. Đây là ngưỡng hỗ trợ khá tích cực, lực cầu bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc giúp thị trường hồi phục mạnh. Mặc dù VN-Index còn chịu nhịp điều chỉnh về cuối phiên và thử thách lại ngưỡng 655 điểm nhưng chỉ số này đã đóng cửa trong sắc xanh, nhờ lực cầu tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip trong đợt khớp ATC.
Đóng cửa, trên sàn HOSE có 122 mã giảm và 98 mã tăng, chỉ số tăng 1,03 điểm (+0,16%) lên 657,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 123 triệu đơn vị, giá trị 2.414,59 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,16 triệu đơn vị, trị giá 177,18 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 15 mã tăng, 11 mã giảm và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 4,7 điểm lên 644,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 53,6 triệu đơn vị, giá trị 1.507,9 tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng giá trị giao dịch trên sàn.
Thông tin giá dầu thô giảm sâu là nguyên nhân khiến các cổ phiếu trong nhóm dầu khí mất điểm, kìm hãm đà tăng mạnh của thị trường, như GAS giảm 4,13%, PVD giảm 1,53%.
Tuy nhiên, nhìn chung, các cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính giúp thị trường bật tăng. Đà giảm của BVH, PVD được thu hẹp, MSN quay về mốc tham chiếu, trong khi đà tăng ở một số mã khác được nới rộng như VIC tăng 2,94%, HPG tăng 3,24%, VNM tăng 1,27%, VCB đảo chiều tăng 0,92%..., đã hỗ trợ tốt cho thị trường.
Không chỉ có HPG tăng mạnh, các cổ phiếu ngành thép cũng đua nhau khoe sắc, các mã HSG, POM, TLH, VGS cùng tăng trong khoảng 1-2%; DNY tăng 6,1%.
Thanh khoản lớn của thị trường vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu đầu cơ quen thuộc. Trong đó, KBC với kết quả kinh doanh tích cực đã lấy lại đà tăng điểm tốt cùng giao dịch sôi động. Với mức tăng 1,8%, KBC lên mức giá 17.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Tuy nhiên, KSB chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong nhóm cổ phiếu thị trường, bởi đa số các mã khác đều bị bán ồ ạt và đóng cửa ở mức sàn như FIT, HHS, VHG, KSA giảm sàn, FLC, HQC cũng quay đầu giảm điểm.
Cụ thể, FIT giảm 6,7% xuống mức giá sàn 7.000 đồng/Cp và khớp 6,84 triệu đơn vị, dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị; HHS giảm 6,9% xuống 6.700 đồng/Cp và khớp 6,27 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị...
Trong 3 cổ phiếu nhiều biến động trong thời gian qua, trong khi DRH và KSB tăng trở lại, thì TTF vẫn chưa thoát khỏi mức sàn. Ghi nhận phiên giảm sàn thứ 8, TTF lùi về mức giá 24.800 đồng/Cp với lượng khớp chỉ 19.850 đơn vị và dư bán sàn 0,42 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là lực cản ( PVB giảm 3,24%, PVC giảm 0,76%, PGS giảm 1,23%), khiến HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ..
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,22%) xuống 83,52 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,35 triệu đơn vị, giá trị 533,61 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,56 điểm xuống 151,2 điểm khi có tới 16 mã giảm, 7 mã tăng và 7 mã đứng giá.
HKB vẫn là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 6,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công nhưng tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3, với mức giảm 9,8% xuống mức giá 15.700 đồng/CP. Như vậy, chỉ tính trong 10 phiên gần đây, HKB đã giảm 14.000 đồng/CP, tương ứng giảm tới 47,14%.
Tiếp theo, SCR và DCS cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 2,3 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 100 đồng/CP.
Theo Đầu tư chứng khoán