Trong xu thế giảm chung của thị trường, một sốcổ phiếu bất động sản lại lội ngược dòng khá ấn tượng.
Liên tiếp đón nhận những thông tin bất lời cho thị trường như margin được dự đoán cao kỷ lục, nhà đầu tư nước ngoài quay ra bán ròng sau 10 phiên liên tiếp, các mốc kháng cự mạnh liên tiếp bị chọc thủng khiến tâm lý nhà đầu tư dần hoang mang hơn.
Sau nỗ lực cầm cự trong 30 phút đầu phiên chiều, áp lực bán tháo khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số Vn-Index đánh mất gần 20 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận mốc 640 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh giúp thị trường dần hồi phục, VN-Index hãm mạnh đà giảm điểm và xấp xỉ đứng ở ngưỡng 650 điểm.
Trong khi thị trường khá tiêu cực, các nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, thép tạo gánh nặng cho thị trường thì nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều điểm sáng khá ấn tượng.
Sau phiên hồi phục nhẹ hôm qua, các cổ phiếu dầu khí nhanh chóng quay đầu giảm điểm như PVD giảm 2,53% và khớp 1,22 triệu đơn vị, GAS giảm 2,38% và khớp hơn nửa triệu đơn vị. Trên sàn HNX, đồng loạt PVC, PVS, PVB, PGS cũng đua nhau giảm điểm.
Đáng chú ý là cổ phiếu VCB. VCB sau công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 ấn tượng nhưng trong phân tích cổ phiếu cần quan tâm trước phiên giao dịch 22/7, VCBS đã cân nhắc mức giá cao hiện tại và rủi ro đầu tư đang gia tăng, đồng thời, điều chỉnh khuyến nghị từ mua sang nắm giữ đối với VCB.
VCB đã lao dốc mạnh trong phiên hôm nay và chính thức đóng cửa ở mức giá sàn. Với mức giảm 6,3%, VCB lùi về mức giá 52.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 886.600 đơn vị.
Các mã khác trong nhóm ngân hàng cũng diễn biến thiếu tích cực như STB giảm 1,77% và đứng ở mức giá 11.100 đồng/CP, EIB giảm 6,09% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 10.800 đồng/CP. Trên HNX, ACB cũng lùi về mức giá thấp nhất 18.100 đồng/CP, giảm 1,09%.
Trong khi sắc đỏ đang tràn ngập bảng điện tử, với 158 mã giảm và 63 mã tăng trên sàn HOSE; trên sàn HNX cũng có 158 mã giảm và 59 mã tăng nhưng nhiều mã trong nhóm bất động sản đã bất chấp tất cả và tăng vọt mạnh cả về giá lẫn thanh khoản.
Điển hình là ITA, lực cầu hấp thụ mạnh đẩy giá cổ phiếu này tăng trần khi về cuối phiên chiều. Với mức tăng hết biên độ 5,9%, ITA đã leo trần lên mức 5.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Tiếp đó, KBC tăng 800 đồng (+4,9%) lên mức giá cao nhất trong ngày 17.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 7,55 triệu đơn vị.
Trái lại, ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ, HHS sau công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan với lợi nhuận sau soát xét quý II/2016 giảm tới hơn 80% so với cùng kỳ đã quay đầu giảm mạnh thậm chí có thời điểm chạm sàn. Đóng cửa, HHS giảm 5,81% xuống 8.100 đồng/CP với khối lượng khớp 8,89 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản thị trường.
Mặc dù DRH đã lên tiếng và khẳng định các thông tin trên thị trường vừa qua là “tin đồn thất thiệt” nhưng áp lực bán vẫn mạnh trong khi lực cầu hạn chế khiến giá cổ phiếu vẫn nằm sàn và dư bán sàn khá lớn. Trái lại, cùng với việc có Chủ tịch HĐQT mới và khẳng định ông Võ Trường Thành rút khỏi HĐQT không ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty giúp KSB hồi mạnh trong phiên hôm nay.
Dù có thời điểm rung lắc rơi xuống mốc tham chiếu nhưng KSB đã đóng cửa trong sắc tím, với mức tăng 6,2% lên mức giá trần 68.000 đồng/CP và khớp 1,25 triệu đơn vị, dư mua trần 38.000 đơn vị.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 9,7 điểm (-01,47%) xuống 649,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 151,76 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 3.013,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,3 triệu đơn vị, trị giá 167,29 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,98%) xuống 83,8 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ với khối lượng giao dịch đạt 66,63 triệu đơn vị, trị giá 680,37 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 18,73 triệu đơn vị, trị giá 87,07 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,73 điểm xuống 152,58 điểm khi có tới 18 mã giảm, 8 mã đứng giá và chỉ 4 mã tăng.
Tương tự sàn HOSE, cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VCG đã vượt qua mốc tham chiếu và tăng điểm mạnh, ghi dấu ấn trong phiên giao dịch cuối tuần. Cụ thể, VCG tăng 8,2% lên sát trần 15.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 4,78 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu khoáng sản, ACM tiếp tục giữ sắc tím với mức tăng 10% lên mức 2.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt hơn nửa triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của ACM sau chuỗi ngày dài nằm sàn.
Theo Đầu tư chứng khoán