Dòng tiền suy yếu khiến thị trường thiếu động lực để duy trì sắc xanh nhạt. VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tuần mới (25/7), đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.
Sau khi hồi phục tích cực và trở lại xu hướng tăng điểm về cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ khi bước sang phiên giao dịch chiều.
Mặc dù có thời điểm Vn-Index leo sát lên mốc 655 điểm nhưng lực cầu khá yếu khiến thị trường nhanh chóng hạ nhiệt và chỉ số này tiếp tục diễn biến lình xình trên mốc tham chiếu. Trong đó, cùng với đà tăng thu hẹp, nhiều mã trong nhóm VN30 đã đảo chiều giảm điểm là tác nhân chính hãm thị trường.
Áp lực bán gia tăng trong đợt khớp ATC đã đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu và tiếp tục xác lập thêm phiên giảm điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, dòng tiền chủ yếu tập trung ở các các mã đầu cơ bất động sản và các cổ phiếu thép.
Đóng cửa, Vn-Index giảm 0,57 điểm (-0,09%) xuống649,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 97,52 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.815,36 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,3 triệu đơn vị, trị giá 205,84 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,13 điểm (-0,18%) xuống 633,21 điểm khi có 17 mã giảm và chỉ 9 mã tăng, 4 mã đứng giá.
Trên sàn HNX, trụ cột nâng đỡ chính DBC đã hạ nhiệt, trong khi các mã lớn khác lại nới rộng đà giảm như LAS giảm 5,19%, VCG giảm 5,66% khiến HNX-Index giao dịch thiếu tích cực và đóng cửa giảm nhẹ.
Thị trường vẫn khá cân bằng khi có 93 mã tăng và 94 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,08%) xuống 84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,36 triệu đơn vị, giá trị 429,86 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,56 điểm xuống 152,02 điểm với 10 mã tăng, 12 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Ngoại trừ một số mã duy trì sắc xanh như VIC, VCB, GAS, HPG, còn lại giảm khá mạnh như VNM giảm 1,28%, PVD giảm 2,59%, BVH giảm 1,67%, HSG giảm 2,89%.
Được cho là thông tin nguồn tác động tới diễn biến cổ phiếu là các báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2016 của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cho rằng kết quả đã được phản ánh ở những phiên trước đó.
Tiêu biểu như KBC, với công bố lợi nhuận quý II/2016 của cả Tập đoàn đạt 312,43 tỷ đồng, gấp 2,58 lần so với cùng kỳ nhưng diễn biến giá cổ phiếu này lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên giao dịch. Sau phiên tăng mạnh sát trần vào cuối tuần với giao dịch sôi động nhất thị trường, KBC đã quay đầu giảm trong phiên sáng 25/7. Với mức giảm 0,6%, KBC đứng ở mức giá 16.900 đồng/Cp và khớp 6,58 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là ITA cũng duy trì đà giảm 100 đồng (-1,9%) xuống 5.300 đồng/Cp với khối lượng khớp 6,14 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu ngành thép khá phân hóa, trong khi HSG, DNY, TLH giảm điểm khá mạnh thì POM tăng trần, VIS tăng 2,6%, NKG tăng 1,5%, HPG tăng 1,7%. Đang chú ý, HPG đã chuyển nhượng thành công 3,77 triệu đơn vị và vẫn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 1,3 triệu đơn vị.
Cặp đôi HAG-HNG vẫn dắt tay nhau tăng trần nhưng giao dịch cũng không có nhiều chuyển biến. Trong khi HNG khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư mua trần 736.890 đơn vị thì HAG chuyển nhượng thêm hơn nửa triệu đơn vị trong phiên chiều nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 3,7 triệu đơn vị và dư mua trần 224.570 đơn vị.
Trong khi đó, ACM cũng giữ sắc tím và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh 3,68 triệu đơn vị. Đóng cửa, ACM tăng 9,09% đứng ở mức giá trần 2.400 đồng/CP và dư mua trần gần 320.000 đơn vị.
Theo Đầu tư chứng khoán