Lực cầu gia tăng và lan rộng giúp thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng, cả 2 chỉ số đều leo lên mức cao nhất ngày. Đáng chú ý, thị trường đã chứng kiến màn độc diễn khá ngoạn mục của ROS khi từ mức giá sàn đã tăng vọt kịch trần và tiếp tục duy trì sắc tím.
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đóng vai trò là các trụ đỡ giúp thị trường hồi phục về cuối phiên sáng. Tuy áp lực bán đã được tiết chế nhưng dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản trên 2 sàn sụt giảm mạnh, đồng thời, thị trường cũng thiếu động lực để bật tăng mạnh.
Trái với diễn biến ảm đảm trên thị trường, cổ phiếu nóng ROS lại tiếp tục tạo sóng lớn. Sau cú lao dốc mạnh trong nửa đầu phiên sáng, ROS đã giảm sâu, lần đầu tiên rơi xuống mức giá sàn kể từ khi chào sàn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc mạnh giúp ROS dần hồi phục và trở lại sắc xanh khi chốt phiên.
Cú lội ngược dòng của ROS chưa dừng tại đó. Sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp cổ phiếu này bật tăng mạnh và trở lại giao dịch trong sắc tím. Với mức tăng 6,9%, ROS đã leo lên mức giá 79.100 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 3,13 triệu đơn vị.
Như vậy, kể từ khi chào sàn (ngày 1/9 đến nay), ROS đã liên tục tăng không ngừng nghỉ với tổng cộng mức tăng lên tới 653,33%. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của ROS đã lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương ứng 1,55 tỷ USD.
Với việc nắm giữ 279,56 triệu cổ phiếu ROS, ông Trịnh Văn Quyết đã có hơn 22.113 tỷ đồng, cùng với hơn 93 triệu cổ phiếu FLC đang nắm giữ ở mức giá 6.030 đồng/CP thì ông Quyết đã có trong tay hơn 22.673 tỷ đồng, và chính thức thành tỷ phú đô la thứ hai trên sàn chứng khoán, sau ông Phạm Nhật Vượng.
Một cổ phiếu thị trường khác cũng ấn tượng trong phiên hôm nay là ITA. Sau nhịp rung lắc nhẹ ở cuối phiên sáng, ITA đã lấy lại sắc xanh và đà tăng ngày càng nới rộng nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Đóng cửa, ITA tăng 2,1% lên mức giá cao nhất ngày 4.920 đồng/CP với khối lượng giao dịch khủng đạt 15,3 triệu đơn vị, lớn nhất trong hơn 1 tháng qua.
Lực cầu gia tăng và lan rộng trong phiên chiều giúp nhiều mã chuyển xanh, trong đó, điểm tựa chính của thị trường giúp chỉ số VN-Index dành lại mốc 675 điểm vẫn là các cổ phiếu lớn với cặp song kiếm hợp bích VNM và VCB làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường.
Cụ thể, VNM tăng 1.400 đồng (+1%) lên mức giá cao nhất ngày 142.500 đồng/CP và khớp 0,38 triệu đơn vị. VCB cũng đảo chiều sau 3 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 1.000 đồng (+2,8%) lên mức 36.300 đồng/CP với khối lượng khớp 0,84 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác như VIC, FPT, GAS, HSG cũng giao dịch trong sắc xanh và hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của thị trường.
Trái với diễn biến tích cực của VCB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng đều giao dịch khá tiêu cực, tìm đến mức giá thấp nhất ngày như BID giảm 3,2%, CTG giảm 2,1%, STB giảm 0,8%.
Đóng cửa, VN-Index tăng 3,29 điểm (+0,49%) lên 676,9 điểm. Thanh khoản khá thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 91 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.659,3 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,48 triệu đơn vị, giá trị 147,28 tỷ đồng. Nhóm VN30 có 14 mã tăng, 6 mã giảm và 10 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 2,37 điểm lên 644,18 điểm.
Tương tự, nhận tín hiệu xanh trên sàn HOSE, sàn HNX cũng đảo chiều thành công và hồi phục tích cực trong phiên chiều. Trong đó, lực đỡ chính của thị trường vẫn là các cổ phiếu lớn như PVS, ACB.
Với 97 mã tăng và 72 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,52%) lên 82,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,43 triệu đơn vị, tổng giá trị 296,86 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,78 điểm lên 150,11 điểm với 13 mã tăng, 7 mã giảm và 10 mã đứng giá.
HKB tiếp tục nới rộng đà tăng và có thời điểm sắp chạm sàn. Đóng cửa ở mức giá 5.500 đồng, HKB đã tăng 3,77% với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX đạt 5,92 triệu đơn vị. Trong khi đó, BII ghi nhận phiên giảm sàn thứ 21 xuống mức giá 2.700 đồng/CP với khối lượng khớp 1,12 triệu đơn vị và dư bán sàn 7,58 triệu đơn vị.
Theo Đầu tư chứng khoán