Sau thất bại khi chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh trong phiên sáng, áp lực bán dâng cao và tập trung ở một số mã lớn khiến thị trường tiếp tục suy giảm trong phiên chiều. Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, giúp nhiều mã trong nhóm này hồi phục tích cực cùng thanh khoản ở mức cao.
Nếu trong phiên hôm qua, nhiều cổ phiếu trong nhóm bluechip là điểm tựa giúp thị trường bật cao với mức tăng hơn 7 điểm thì sang phiên 20/10, các mã này đóng vai trò là lực hãm chĩnh đưa chỉ số VN-Index trải qua những nhịp rung lắc khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh 690 điểm. Chỉ trong phiên giao dịch sáng, VN-Index đã có tới 4 lần thử thách tại mốc trên nhưng đều thất bại và điểm dừng chân là dưới mốc tham chiếu.
Sau diễn biến giằng co quanh ngưỡng cản 690 điểm, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều. Lực cầu khá hạn chế trong khi áp lực bán có phần chiếm ưu thế khiến Vn-Index tiếp tục nới rộng đà giảm.
Tuy nhiên sau khoảng 80 phút của phiên chiều, thị trường mất hơn 3 điểm, chỉ số VN-Index rơi xuống ngưỡng 685 điểm thì lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thụ trường thu hẹp đà giảm.
Dù vậy, VN-Index cũng không thể thoát khỏi phiên giảm điểm trước gánh nặng của các cổ phiếu lớn. Cụ thể, trụ cột VNM giảm 0,75% xuống gần mức giá thấp nhất ngày với khối lượng khớp 0,86 triệu đơn vị, đóng vai trò chính đẩy thị trường đi xuống.
Bên cạnh đó, VIC, PVD, HSG, GAS, BID… cũng đều giao dịch trong sắc đỏ. Đáng chú ý, BVH sau 2 phiên tăng điểm đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm 1.400 đồng (-2%) xuống mức giá 67.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngành thép cũng thiếu tích cực khi hầu hết đều quay đầu giảm điểm. Ngoài 2 mã lớn đầu ngành HSG và HPG giảm nhẹ, các mã khác giảm khá sâu như VIS giảm 3,4%, POM giảm 2,2%, DNY giảm 4,7%.
Trong khi đó, dòng tiền chuyển hướng chảy mạnh vào các cổ phiếu thị trường. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp FLC hồi phục mạnh trong phiên chiều và lấy lại sắc xanh đậm với mức tăng 4,1% lên 6.300 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh 19,96 triệu đơn vị.
Tương tự, KBC cũng khởi sắc về cuối phiên với mức tăng 1,1% lên mức giá 18.150 đồng/CP với khối lượng khớp 5,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn. DLG đảo chiều tăng sau 4 phiên giảm, lên mức giá 5.480 đồng/Cp và khớp 4,54 triệu đơn vị.
Ngoài ra, DLG, FIT, HHS, TSC... cũng khởi sắc với khối lượng khớp 1 đến vài triệu đơn vị.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 96 mã tăng và 154 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 2,5 điểm (-0,36%) xuống 686,39 điểm. VN30-Index giảm 2,24 điểm xuống 657,15 điểm khi có tới 18 mã giảm, 4 mã tăng và 8 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 121 triệu đơn vị, giá trị 2.373,43 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 15 triệu cổ phiếu, giá trị 576,85 tỷ đồng. Riêng VIC thỏa thuận 8,97 triệu đơn vị, giá trị 385,7 tỷ đồng.
Tương tự, sau những nhịp rung lắc trong phiên sáng và chốt phiên dưới mức tham chiếu, sàn HNX đã không thể lấy lại sắc xanh do thiếu sự nâng đỡ của các cổ phiếu lớn như PVS giảm 1,44%, NTP giảm 2%, PVB giảm 1,5%... cùng áp lực bán tăng cao.
Với 83 mã tăng và 106 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,54%), đứng ở mức 85,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,36 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 519,59 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,55 điểm (-0,35%) xuống 155,67 điểm với 7 mã tăng, 13 mã giảm và 10 mã đứng giá.
SHB và HKB vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 7 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Trong khi HKB vẫn giảm sàn 9,7% xuống mức giá 6.500 đồng/CP thì SHB thu hẹp đà tăng, chỉ còn nhích nhẹ trên mốc tham chiếu 1 bước giá.
Tiếp đó, các mã PVX, PVS, HUT và SCR cùng có khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Theo Đầu tư chứng khoán