Với sự hỗ trợ của nhóm bluechips, VN-Index tiếp tục công cuộc chính phục mức đỉnh cũ 690 điểm, song bất thành. Mặc dù vậy, điểm tích là giao dịch đã sôi động hơn hẳn, kéo thanh khoản gia tăng mạnh.
Diễn biến phiên giao dịch 19/10 cho thấy, VN-Index đã có nhiều nỗ lực để chinh phục mốc đỉnh cũ và các bluechips tiếp tục là công cụ để giúp VN-Index thực hiện điều này, trong đó tiêu biểu là VNM. Tuy nhiên, trong suốt cả phiên giao dịch, VN-Index chưa một lần “chạm tay” vào mốc 690, bởi áp lực đã gia tăng ở một số bluechips khác khi thị trường ở mức giá cao.
Dù chưa lấy lại mốc 690 điểm, song VN-Index vẫn tăng gần 7 điểm, hoạt động giao dịch cũng sôi động hơn hẳn, đặc biệt là tại nhóm bluechips, nên thanh khoản gia tăng đáng kể so với những phiên trước, với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 3.600 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, với 124 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng 6,87 điểm (+1,01%) lên 688,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 147,7 triệu đơn vị, giá trị 3.123,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp lớn với 26,8 triệu đơn vị, giá trị 1.061,28 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 19,15 triệu cổ phiếu VIC, giá trị gần 824 tỷ đồng.
Tương tự, với 96 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,64%) lên 85,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 50 triệu đơn vị, giá trị hơn 743 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 12,6 tỷ đồng.
Thực tế giao dịch cho thấy, nhóm bluechips được tận dụng triệt để nhằm đưa VN-Index trở lại với mức đỉnh 690 điểm.
Chẳng hạn, trụ đỡ VNM tiếp tục gia tăng sức mạnh với mức tăng 1,4% lên 146.000 đồng/CP, khớp lệnh xấp xỉ 2 triệu đơn vị. Chính VNM là mã có đóng góp tích cực nhất trong việc đẩy chỉ số. Các mã trụ khác là VIC, VCB, MWG, GAS, BVH cũng đều tăng khá tốt.
Về thanh khoản, phiên sáng, BID là diễn viên chính, thì trong phiên chiều là HPG. Kết phiên, BID khớp 5,95 triệu đơn vị, tăng 4,1% lên 17.700 đồng/CP; HPG khớp 3,62 triệu đơn vị, tăng 1,4% lên 45.250 đồng/CP. Ngoài ra, nhiều mã bluechips được giao dịch mạnh khác là CII (4,87 triệu), HSG, STB, SSI và CTG đều khớp trên 1 triệu đơn vị…
Ở chiều ngược lại, mã trụ MSN cùng với CII, KDC, PVD, REE, NT2… đã giảm điểm trước sức ép bán ra gia tăng, khiến VN-Index không thể đóng cửa ở mức cao nhất.
Đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ, áp lực bán mạnh vẫn được duy trì, khiến đa phần đều giảm điểm. Đáng chú ý, TCH và VHG cùng giảm sàn. VHG khớp được 6,46 triệu đơn vị và còn dư bán 1,28 triệu đơn vị ở mức giá sàn 3.450 đồng/CP.
Như vậy, sau đúng 10 phiên tăng trần kể từ khi lên sàn, TCH đã bị chốt lời mạnh, khớp lệnh 1,39 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn 30.500 đồng/CP khá lớn. HHS cũng giảm mạnh 3,8% và khớp 5,39 triệu đơn vị.
HAG và HNG cũng quay đầu giảm điểm dưới áp lực chốt lời mạnh và cùng khớp trên 3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FLC được cứu nhờ lực cầu rất mạnh trong phiên chiều, với hơn 10 triệu đơn vị được sang tên, nâng tổng khớp cả phiên lên 14,75 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, đóng cửa tăng 0,8% lên 6.050 đồng/CP. Còn ROS giữ vững sắc tím, khớp lệnh 1,33 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần.
Trên sàn HNX, SHB tiếp tục điểm sáng khi đã được kéo lên mức trần 5.600 đồng/CP (+9,8%), thanh khoản cũng vọt tăng mạnh với hơn 11 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần khá lớn.
Bên cạnh đó, các mã đóng góp lớn vào đà tăng của HNX-Index như NTP, ACB, VCS, VC3, VND và PGS cũng tiếp tục duy trì được đà tăng tốt, trong khi một số mã như HUT, DCB, CEO, LAS, hay nhóm dầu khí yếu đà.
Ngoài SHB, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị còn có HKB, PVX (cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị), KLF, HUT, VCG và DCS, trong đó HKB vẫn giữ mức sàn.
Theo Đầu tư chứng khoán