Thực tế, hy vọng vào đợt sóng cuối năm cũng có những cơ sở riêng. Đặc biệt, trước khi kết thúc kỳ báo cáo, các quỹ đầu tư đều có tâm lý muốn có một con số đẹp về giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.
Nhìn lại 1 năm trước, thị trường đã từng nổi sóng ngay trong những ngày cuối năm. Sau khi chạm đáy 523,09 điểm vào ngày 19/12/2014, VN-Index đã bật tăng liên tục trong phần còn lại của năm và cán mốc 545,63 điểm. Đợt sóng đi lên cuối năm 2014 đã tạo ra một tâm lý hứng khởi, đẩy thị trường duy trì không khí khá lạc quan, tiếp tục nhịp độ đi lên trong những ngày đầu năm 2015, tiến sát mốc 600 điểm vào đầu tháng 3/2015.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến thị trường hiện nay, một số nhà quan sát cho rằng, tâm lý chung của giới đầu tư đang có xu hướng trì hoãn chờ đợi, khiến thanh khoản thị trường có phần giảm sút.
Hiện tại, dòng tiền vẫn ở mức yếu, khiến thanh khoản giảm xuống mức thấp mới, với chỉ hơn 1.300 tỷ đồng được khớp lệnh trên 2 sàn. Các chuyên gia Phòng Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tạo đáy với các phiên biến động lên xuống trong biên độ hẹp và thanh khoản suy giảm cạn kiệt. Rủi ro điều chỉnh giảm sâu ít có khả năng diễn ra trong ngắn hạn do tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái khá ổn định, khiến áp lực bán ra tại vùng giá này không còn mạnh.
Với những diễn biến như vậy, một số chuyên gia cho rằng, động thái thích hợp đối với nhà đầu tư lúc này vẫn là nên tiếp tục mua tích lũy dần các cổ phiếu đã giảm sâu trong giai đoạn vừa qua với kỳ vọng đón đầu xu hướng trong giai đoạn tới. Bởi lẽ, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây, thị trường đều có xu hướng tăng điểm sau Tết Dương lịch.
Riêng trong năm 2015, các chỉ số kinh tế vĩ mô đã hé lộ cũng là những tín hiệu tốt cho thị trường về mặt trung hạn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 thấp nhất trong 14 năm. Cụ thể, CPI trong năm 2015 của Việt Nam chỉ tăng 0,63% so với năm 2014.
Trong khi đó, nợ xấu tính đến ngày 30/11 là 2,72%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 30/11, khoảng 99,6% nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính từ cuối tháng 9/2012 đã được xử lý. Tính đến ngày 21/12/2015, tín dụng tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 - 2014. Với diễn biến này, ước cả năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 18%. Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống là 18 - 20%.
Đó là về những tín hiệu chung, trong khi sự chú ý của giới đầu tư với từng cổ phiếu đang được thu hút bởi danh sách những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán đã dần hé lộ. Nếu như trong những năm trước, danh sách này chỉ được công chúng quan tâm như một sự tò mò thì giờ đây, đó cũng là một trong những yếu tố đo lường thành công của doanh nghiệp mà đại gia đó đang cầm lái.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định vị trí dẫn đầu vững chắc của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), với sự tích lũy thêm tới hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2015. Khối cổ phiếu trị giá hơn 22.000 tỷ đồng của ông Vượng đã vượt xa cả 4 người đứng ở vị trí tiếp theo cộng lại.
Thực tế, cả 5 vị trí đứng đầu vẫn là những cái tên quen thuộc, gồm: Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát), Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng (đều là Phó chủ tịch Vingroup). Tuy nhiên, sự khác biệc của năm 2015 là sự hoán đổi vị trí giữa ông Trần Đình Long và ông Đoàn Nguyên Đức.
Ông Trần Đình Long đã vượt lên vị trí thứ hai, sau khi có một năm phát đạt, tích lũy được thêm khoảng 750 tỷ đồng để đạt giá trị cổ phiếu hơn 5.400 tỷ đồng. Trong khi đó, đại gia phối núi Đoàn Nguyên Đức lại suy giảm đến gần 50% giá trị cổ phiếu đang nắm giữ. Khối cổ phiếu của ông Đức trong năm 2015 đã bốc hơi tới hơn 3.000 tỷ đồng, nên đến nay chỉ còn hơn 3.800 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ 3 trong danh sách.
Theo baodautu.vn