Thị trường đã tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều, song VN-Index vẫn chưa thể tăng khi sức ép từ cổ phiếu VNM vẫn quá lớn, cho dù có ghi dấu ấn về mức thanh khoản kỷ lục.
Thời điểm cơ cấu danh mục tháng 9 của các quỹ ETF đang tới gần, do đó, các giao dịch liên quan đến nhóm cổ phiếu bluechips luôn được thị trường chú ý.
Theo nhận định của một số chuyên gia, cổ phiếu VNM sẽ là tâm điểm của đợt cơ cấu danh mục tháng 9 này sau khi room ngoại đã được nâng lên mức tối đa.
Mới đây, FTSE Vietnam ETF đã thêm VNM vào danh mục quý III và dự báo có khả năng cũng sẽ được V.N.M ETF thêm vào rổ.
Thực tế cho thấy, trong 3 tháng qua, cổ phiếu VNM liên tục được khối ngoại mua vào, kéo giá cổ phiếu VNM lên cao mức kỷ lục 156.000 đồng/CP vào ngày 31/8. Tuy nhiên, trong 3 phiên gần đây nhất, khối ngoại đã bắt đầu bán mạnh cổ phiếu này.
Trong phiên giao dịch 7/9, ngay từ khi mở cửa, các lệnh bán giá thấp tại VNM tiếp tục được khối ngoại tung ra mạnh mẽ và áp lực này được duy trì cho đến cuối phiên giao dịch.
Tuy bị chốt lời mạnh, song sức cầu đối với cổ phiếu này cũng rất tốt, nên các lệnh bán giá đỏ dần được hấp thụ. Nhờ đó, cổ phiếu VNM ghi nhận phiên khớp lệnh kỷ lục gần 4,17 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi niêm yết hồi tháng 1/2006. Trong đó, khối ngoại bán ra 2,79 triệu đơn vị.
Mặc dù ghi dấu ấn đặc biệt về thanh khoản, song do lượng khớp chủ yếu là ở mức giá thấp, nên cổ phiếu VNM không thể tăng, chốt phiên giảm 2,7% xuống còn 146.000 đồng/CP.
Một mã được FTSE Vietnam ETF thêm vào danh mục là HSG cũng có phiên giảm điểm, bất chấp việc được khối ngoại mua vào khá tốt. HSG giảm 0,4% xuống 43.700 đồng/CP và khớp 4,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.
Ngược lại, sau khi cố gắng lắm mới về được tham chiếu ở phiên sáng, HPG đã bất ngờ quay đầu tăng vọt 1.700 đồng (+4%) lên 44.000 đồng/CP trong phiên chiều và khớp lệnh chỉ sau HSG với 4,52 triệu đơn vị.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu thép, nhóm cổ phiếu dược với DHG, DCL, DMC, IMP… và mía đường với SBT, BHS… cũng hút mạnh dòng tiền nên tăng tích cực. Trong đó, DCM và BHS tăng kịch trần, riêng BHS khớp được 3,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, dầu khí… nhìn chung giao dịch khá yếu, ngoại trừ một số mã như KBC, ITA, HQC, DLG, PVD…
Các mã ROS và DRH chính thức có phiên tăng trần thứ 5 liên tục, trong đó ROS còn dư mua giá trần 2,1 triệu đơn vị và vẫn chỉ khớp được 0,73 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm dầu khí là tâm điểm của dòng tiền. PVX khớp được 4,2 triệu cổ phiếu, cao nhất sàn, nhưng kết phiên giảm 100 đồng xuống 2.500 đồng/CP. Còn PVS khớp 1,77 triệu đơn vị và giảm 400 đồng về 21.000 đồng/CP.
Ngược lại, các mã PVC, PVB, PGS quay đầu tăng điểm, riêng PVC bất ngờ tăng trần lên 11.900 đồng/CP (+9,2%) và khớp được 1,03 triệu đơn vị.
Các mã VCG, SCR, HUT và HBK cũng cải thiện nhẹ về thanh khoản.
So với phiên giao dịch sáng, thị trường trong phiên giao dịch chiều đã tích cực hơn, tuy nhiên do tâm lý thận trọng cũng như diễn biến giao dịch có sự phân hóa cao, nhất là ở nhóm cổ phiếu bluechips như VNM, GAS, PVS, ACB… nên các chỉ số chưa thể tăng điểm.
Đóng cửa phiên 7/9, với 126 mã giảm và 73 mã tăng, VN-Index giảm 2,62 điểm (-0,39%) xuống 661,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 104,93 triệu đơn vị, giá trị 2.805,16 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 285 tỷ đồng.
Đáng chú ý có thỏa thuận của 5,484 triệu cổ phiếu PDR, giá trị gần 70 tỷ đồng; 1,9 triệu cổ phiếu MBB, giá trị hơn 28,7 tỷ đồng; 1,728 triệu cổ phiếu AMD, giá trị hơn gần 20 tỷ đồng; 1,78 triệu cổ phiếu BCG, giá trị 10,68 tỷ đồng; 1,193 triệu cổ phiếu PNC, giá trị gần 12 tỷ đồng.
Tương tự, với 107 mã giảm và 70 mã tăng, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,16%) xuống 84,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 36 triệu đơn vị, giá trị hơn 451 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 3,59 tỷ đồng.
Theo Đầu tư chứng khoán