Dù không chảy quá mạnh, nhưng với việc dòng tiền tập trung vào một số mã lớn vào cuối phiên, nhất là trong đợt ATC đã kéo VN-Index lên mức điểm cao nhất ngày khi chốt phiên hôm nay.
Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index chủ yếu giằng co quanh tham chiếu với thanh khoản thấp. Sự phân hóa giữa các mã lớn khiến chỉ số này không thể bứt phá, dù số mã tăng điểm chiếm thế áp đảo, trong số các mã cản đường thị trường, đáng kể nhất là nhóm ngân hàng, đặc biệt là VCB.
Bước vào phiên giao dịch chiều nay, sau chút rung lắc nhẹ đầu phiên, VN-Index đã lấy lại đà tăng và nhích dần. Tuy nhiên, chí số này cũng gặp nhiều khó khăn mỗi khi muốn muốn lên ngưỡng 672 điểm, trong đó có lần VN-Index đã bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu khi VCB nới rộng đà giảm, xuống mức giá thấp nhất ngày 55.000 đồng.
Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên, nhất là trong đợt giao dịch khớp lệnh đóng cửa (ATC), lực cầu tốt ở các mã lớn như VNM, MSN, MWG, GAS, HPG, HSG, BVH…, giúp VN-Index bứt hẳn lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Cụ thể, chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 3,23 điểm (+0,48%), lên 672,67 điểm với 124 mã tăng, trong khi chỉ có 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,55 triệu đơn vị, giá trị 2.297,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,1 triệu đơn vị, giá trị 175,75 tỷ đồng.
HNX-Index cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày 83,68 điểm, tăng 0,47 điểm (+0,57%) với 87 mã tăng, trong khi số mã giảm nhỉnh hơn với 98 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,1 triệu đơn vị, giá trị 560,88 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,29 triệu đơn vị, giá trị 19 tỷ đồng.
VCB tiếp tục chịu áp lực mạnh trong phiên chiều, có lúc bị đẩy xuống mức giá 55.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 55.500 đồng, giảm 3,48% với 1,55 triệu đơn vị được khớp. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá sôi động VCB trong phiên hôm nay khi mua vào 1,03 triệu đơn vị và bán ra 1,63 triệu đơn vị, bán ròng 0,6 triệu đơn vị. Đây là một trong những lý do chính khiến VCB giảm mạnh trong phiên hôm nay.
Trong khi các mã ngân hàng khác chủ yếu lình xình dưới mốc tham chiếu và chốt phiên may mắn đều đóng cửa ở tham chiếu, ngoại trừ CTG tăng nhẹ 1 bước giá.
Ngoài VCB, một bleuchip khác cũng điều chỉnh trong phiên hôm nay do lực cầu thấp là KDC. Đóng cửa, KDC giảm 1,07%, xuống 37.100 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, sự tích cực lại duy trì ở VNM, MSN, MWG, HSG, VIC và thậm chí HPG cũng đảo chiều tăng điểm.
Trong đó, VNM tăng nhẹ 1 bước giá với 1,75 triệu đơn vị và cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh, gần 0,8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đây là mã cơ bản tốt, trong khi đang có thông tin về việc Nhà nước sẽ thoái vốn, nên nhà đầu tư nội không ngần ngại để mua vào.
MSN cũng duy trì được đà tăng tốt, dù không giữ được mức giá cao nhất ngày 71.000 đồng. Chốt phiên, MSN đứng ở mức 70.000 đồng, tăng 4,48% với 0,82 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, MWG lại bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 144.000 đồng, tăng 5,11%.
HPG sau khi chịu áp lực chốt lời trong phiên sáng, đã nhận được lực cầu hỗ trợ tích cực trong phiên chiều, nên quay đầu tăng giá trở lại. Chốt phiên tăng 0,96%, lên 41.900 đồng với 3,07 triệu đơn vị được khớp.
HSG cũng nới rộng đà tăng, đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 43.300 đồng, tăng 4,34% với 2,77 triệu đơn vị được khớp.
Tương tự, BVH, GAS, CII cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 62.500 đồng, 64.500 đồng, 28.200 đồng, tăng lần lượt 2,46%, 2,38%, 2,55%.
KBC vẫn giữ được sự sôi động như phiên sáng với tổng khối lượng khớp 6,28 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE. Chốt phiên, mã này tăng 1,16%, lên 17.500 đồng.
Trên HNX, sóng đã lan từ SHN và PVX sang HUT khi cả 3 cùng đóng cửa ở trần và đều còn dư mua trần khá lớn. Trong đó, HUT được khớp hơn 5 triệu đơn vị, chốt ở mức giá 12.300 đồng, SHN được khớp 2,5 triệu đơn vị, đóng ở mức giá 11.500 đồng và PVX được khớp 1,23 triệu đơn vị, đứng ở mức 1.900 đồng.
Trong khi đó, do bên bán và bên mua không còn tìm được tiếng nói chung như phiên sáng, nên giao dịch tại CHP khá trầm lắng trong phiên chiều, nhưng đây vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 6,7 triệu đơn vị được khớp, đứng ở mức giá 20.500 đồng, tăng 2,5%, có lúc trong phiên sáng, CHP đã tăng 7,5%, lên 21.500 đồng.
Mã có thanh khoản đứng thứ 3 sau CHP và HUT là SCR với tổng khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn có sắc xanh nhạt khi tăng 1 bước giá.
Theo Đầu tư chứng khoán