Trong khi DRH khá vững vàng trên mức giá trần, thì TTF khiến nhà đầu tư đau tim khi giá cổ phiếu biến động mạnh, với biên độ dao động hơn 13%.
Sau chuỗi ngày nằm sàn, TTF đã hồi phục ấn tượng với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau thông báo chính thức về việc triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần 2/2016, dự kiến tổ chức tại TP. HCM trong khoảng thời gian từ ngày 26/9 đến ngày 25/10. Bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 9/8 nên TTF chỉ được giao dịch trong phiên chiều và nhà đầu tư khá hồi hộp với những phương án được đưa ra cho cổ phiếu TTF khi bước vào phiên giao dịch chiều 25/8.
Bước vào phiên giao dịch chiều, TTF nằm sàn với sắc xanh mắt mèo, tuy nhiên, chưa đầy 15 phút sau, cổ phiếu này hồi phục mạnh và nhanh chóng lấy lại sắc tím. Chưa dừng ở đó, TTF khiến nhà đầu tư một lần nữa đau tim khi tiếp tục nhịp rơi mạnh xuống sát mức giá sàn trước khi hồi phục mạnh và ổn định tại mức giá sàn đến hết phiên giao dịch.
Biến động nhanh và mạnh của TTF phần nào do tác động của thông tin Công ty tiếp tục phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng, chuyển cơ quan điều tra xem xét.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2016, TTF đã bất ngờ công bố số lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016 so phát hiện việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi 227 tỷ đồng.
Vì vậy, TTF đã đón nhận 24 phiên giảm sàn liên tiếp kéo giá cổ phiếu từ mức 43.600 đồng/Cp (giá đóng cửa phiên 18/7) xuống còn 8.100 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 19/8), tương ứng giảm 81,41%. Tuy nhiên, sau thông tin chính thức về việc chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ bất thường để phê chuẩn việc bổ nhiệm Thành viên HĐQT và các vấn đề khác theo thẩm quyền, TTF đã có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp.
Đóng cửa phiên 25/8, TTF tăng 600 đồng (+6,1%) lên mức giá trần 10.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 9,9 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường và dư mua trần hơn 0,17 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu từng chung cảnh ngộ là DRH cũng đón nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Với mức tăng 1.200 đồng/CP (+6,8%), DRH đứng ở mức 18.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 114.400 đơn vị, dư mua trần 226.390 đơn vị.
Trái lại, KSB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016 khá khả quan với lợi nhuận ước đạt 142 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch năm (144 tỷ đồng) nhưng diễn biến cổ phiếu thiếu tích cực. Đóng cửa, KSB giảm 500 đồng (-0,8%) xuống 65.000 đồng/CP và khớp 96.440 đơn vị.
Ngoài ra, trong phiên chiều, thị trường cũng đón nhận khá nhiều điểm nhấn đến từ nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ. Bên cạnh HAR tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn từ phiên sáng, còn có JVC, TSC, VNH, OGC… cũng leo lên mức giá trần.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, bên cạnh hai mã đầu ngành thép là HSG và HPG tăng tích cực, các mã khác như FPT, PVD, KDC cũng có được sắc xanh, tuy đà tăng chưa đủ mạnh để giúp thị trường có được nhịp hồi.
Ngược lại, GAS vẫn đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường. Dù có thời điểm GAS lấy lại được mốc tham chiếu nhưng thông tin thiếu tích cực từ việc giá dầu thô giảm mạnh vẫn tác động lên diễn biến giá cổ phiếu. Với mức giảm 1.500 đồng (-2,36%), GAS đứng ở mức giá 62.000 đồng/CP và khớp 334.400 đơn vị.
Dù có thời điểm rơi xuống sát mốc 655 điểm nhưng lực đỡ từ một số cổ phiếu bluechip cùng sự khởi sắc của các mã đầu cơ đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 2,27 điểm (-0,34%) xuống 658,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 116,13 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.568,51 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,4 triệu đơn vị, trị giá 423,56 tỷ đồng với sự đóng góp chủ yếu từ 2,32 triệu cổ phiếu VIC, trị giá 112,41 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,89 điểm xuống 649,06 điểm với 7 mã tăng, 8 mã giảm và 15 mã đứng giá.
Diễn biến trên sàn HNX có phần tích cực hơn, trong khi cung giá thấp được tiết giảm thì lực cầu bắt đầu nhập cuộc giúp HNX-Index đảo chiều thành công dù có thời điểm rung lắc giữa phiên.
Với mức tăng 0,19 điểm (+0,23%), HNX-Index đứng ở mức 83,32 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 405 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 1,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 23 tỷ đồng.
SCR vẫn giữ mức giá 9.900 đồng/CP dù có lúc tăng vọt vượt qua mức mệnh giá với khối lượng khớp lệnh đạt 3,98 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.
Theo Đầu tư chứng khoán