Nếu trong phiên sáng, cặp đôi HAG-HNG là tiêu điểm, thì trong phiên giao dịch chiều, mọi con mắt đều dồn về TTF khi lực cầu bắt đáy bất ngờ gia tăng ồ ạt, giúp mã này chấm dứt chuỗi 24 phiên giảm sàn liên tiếp bằng phiên tăng trần ấn tượng với tổng khớp hơn 12 triệu đơn vị.
Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu khi các mã lớn có sự phân hóa. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mốc 660 đóng vai trò là điểm hỗ trợ khác vững của chỉ số này.
Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên giao dịch sáng đến từ cặp đôi HAG - HNG. Sau thông tin HAG lỗ hơn 1.000 tỷ đồng HNG cũng lỗ hơn 533 tỷ đồng, lực bán tháo tại cặp đôi này đã gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên, khiến cả 2 mở cửa trong sắc xanh mắt mèo. Đặc biệt, tại HAG, lượng dư bán sàn mỗi lúc một nhiều khi bên mua án binh, trong khi những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này cố chạy thoát thân. Nhận thấy lực mua ít, lực bán lớn, tâm lý hoảng sợ với nhà đầu tư càng gia tăng, nhất là những nhà đầu tư bắt đáy cả 2 mã này trong phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra vào nửa cuối phiên, khi cả 2 nhận được lực cầu rất lớn, trong đó tại HNG đến từ nhà đầu tư nước ngoài, giúp cặp đôi này đảo chiều ngoạn mục, có lúc HNG đã lên mức trần 7.700 đồng và HAG cũng chỉ cách mức trần 2 bước giá.
Bước vào phiên giao dịch chiều, tương quan cung cầu tại 2 mã này khá cân bằng, biên độ dao động của cả 2 cũng không còn rộng như phiên sáng. Chốt phiên, HNG tăng 2,78%, lên 7.400 đồng với 3,49 triệu đơn vị được khớp, trong khi HAG giảm nhẹ 1 bước giá, xuống 6.300 đồng với hơn 12,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi cặp đôi HAG và HNG lấy lại được sự cân bằng, thì VN-Index lại không có được may mắn đó khi áp lực chốt lời tại các mã lớn gia tăng mạnh. Trong suốt phiên giao dịch chiều, không những không một lần trở lại mức tham chiếu, mà đà giảm của chỉ số này nới rộng dần về cuối phiên và với áp lực bán được bồi thêm trong đợt ATC, VN-Index đã đóng cửa ở mức điểm thấp nhất ngày.
Cụ thể, VN-Index giảm 4,6 điểm (-0,69%), xuống 567,68 điểm với 81 mã tăng, 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 116,3 triệu đơn vị, giá trị 2.221,93 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 186,98 tỷ đồng.
Tương tự VN-Index, diễn biến của HNX-Index trong phiên chiều cũng chủ yếu giảm dần đều và đóng cửa giảm 0,42 điểm (-0,51%), xuống 82,68 điểm với 80 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,17 triệu đơn vị, giá trị 359,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 12,2 tỷ đồng.
Các mã lớn tăng mạnh tuần trước đều bị chốt lời mạnh hôm nay. Trong đó, VNM giảm 1,61%, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 140.000 đồng với 1,77 triệu đơn vị được khớp. MSN giảm 3,7%, cũng chốt ở mức giá thấp nhất ngày 65.000 đồng. Tương tự KSB giảm 3%, xuống 64.500 đồng, KDC giảm 4,16%, VIC giảm 1,68%, xuống 46.900 đồng, HSG giảm 3,92%, xuống 34.600 đồng, FPT giảm 2,12%, cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 41.500 đồng.
Một số bluechip khác cũng giảm giá trong phiên hôm nay như BID, BMI, BVH, GMD, MWG, PVD…
Ở chiều ngược lại, HPG vẫn duy trì được phong độ khi tăng 0,6%, lên 48.500 đồng với hơn 2,7 triệu đơn vị được khớp. GAS bất ngờ tăng 1,55%, lên 65.500 đồng, CTG, DPM, EIB cũng có mức tăng nhẹ 1 - 2 bước giá.
DRH có phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp, xuống 17.800 đồng với dư bán giá sàn hơn 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, sau chuỗi giảm sàn kỷ lục 24 phiên liên tiếp, TTF bất ngờ được mua ồ ạt trong phiên chiều này, giúp hấp thụ hoàn toàn lượng dư bán sàn và kéo mã này lên thẳng mức giá trần 8.600 đồng với 12,9 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Trên HNX, trong khi PVS duy trì được đà tăng, thì SCR lùi về tham chiếu, trong đó SCR vẫn giữ được vị trí thanh khoản tốt nhất sàn với gần 2 triệu đơn vị được khớp, trong khi PVS lùi về vị trí thứ 4 sau HUT và VCG. Tuy nhiên, cả 2 mã đứng trên PVS đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó VCG đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 14.000 đồng, giảm 4,11%.
Theo Đầu tư chứng khoán