Đã có thời điểm VN-Index hồi phục khá tốt, song vì áp lực cung lớn, nên chỉ số nhanh chóng giảm trở lại, qua đó chính thức ngắt mạch tăng ở con số 9. Đi ngược với diễn biến của thị trường, FLC đã trở thành điểm sáng với phiên bứt phá bất ngờ.
Sau 9 phiên tăng điểm liên tục, hoạt động chốt lời đã thực sự rõ rệt trong phiên giao dịch hôm nay. Sức ép bán ra khiến các chỉ số giao dịch trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên. Đã có những thời điểm các chỉ số hồi phục, song do lượng cung lớn, nhất là tại nhóm cổ phiếu bluechips, khiến sự hồi phục này nhanh chóng qua đi và các chỉ số giảm trở lại.
Với phiên giảm này, chuỗi tăng điểm của thị trường chính thức dừng ở con số 9. Mặc dù vậy, nhiều nhận định cho rằng, đây là phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật và mang tính tích cực, giúp thị trường trở nên cân bằng, cũng như có thể tích lũy tại mặt bằng giá mới, trước khi tái lập xu hướng tăng điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, với 125 mã giảm và 117 mã tăng, VN-Index giảm 2,82 điểm (-0,41%) về 685,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,52 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.563 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với hơn 13,3 triệu đơn vị, giá trị 328,6 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 6,3 triệu cổ phiếu SHP, giá trị 119,7 tỷ đồng và 2 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 10,56 tỷ đồng.
Tương tự, với 102 mã giảm và 96 mã tăng, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) về 85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,64 triệu đơn vị, giá trị 596,5 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,79 triệu đơn vị, giá trị 65,75 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của hơn 2 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 9,5 tỷ đồng.
Nhìn chung, độ rộng tăng giá của thị trường trong phiên chiều này đã tích cực hơn. Một số mã bluechips như MSN, SBT, BVH, MBB đã quay đầu tăng điểm, còn VCB, SSI, BID, HSG thì về được mốc tham chiếu, cùng với MWG, CII, PPC, DPM vẫn tăng tốt.
Tuy nhiên, việc VNM lùi về mốc tham chiếu 140.000 đồng đã ảnh hưởng phần nào tới nỗ lực tăng điểm phiên thứ 10 liên tiếp của VN-Index.
Ngược lại, GAS tiếp tục lao dốc với mức giảm 3% xuống 70.500 đồng/CP, tạo gánh nặng lớn cho chỉ số, bên cạnh những VIC, HPG, FPT, PVD, REE…
HPG vẫn là mã lớn có thanh khoản tốt nhất với hơn 7 triệu đơn vị được sang tên, giảm 1,5% về 45.700 đồng/CP. PVD khớp 3,44 triệu đơn vị, giảm 2% về 26.600 đồng/CP. SBT, CII khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn VCB, SSI, HSG, FPT khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh khá ảm đạm của thị trường, FLC đã trở thành điểm sáng trong phiên giao dịch chiều nay khi có giao dịch bứt phá mạnh mẽ với 10,56 triệu đơn vị được khớp và tăng kịch trần lên 5.130 đồng/CP.
Diễn biến này của FLC được đánh giá là bất ngờ, bởi kết thúc phiên giao dịch sáng, FLC còn giảm khá mạnh và thanh khoản chỉ hơn 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, lượng cầu bất ngờ chảy mạnh, giúp cổ phiếu này thăng hoa.
Được biết, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC vừa chi 2.344 tỷ đồng để mua vào gần 100 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros (tức giá mua vào bình quân chưa đến 23.500 đồng/CP), qua đó nâng số cổ phiếu ROS nắm giữ tại đây lên 279,55 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất, cùng với vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, người đang sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu ROS, vợ chồng ông Quyết đã nâng tổng sở hữu tại ROS lên 299,75 triệu cổ phiếu, chiếm 69,71% vốn điều lệ.
Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã đăng ký mua thêm 30 triệu cổ phiếu FLC để tăng tỷ lệ sở hữu. Với việc mua vào lượng lớn cổ phiếu ROS, nhà đầu tư cũng kỳ vọng ông Quyết sẽ nói thật làm thật với FLC, nên có thể đó là lý do khiến FLC bứt phá trong phiên chiều.
Như vậy, với lượng cổ phiếu FLC và ROS đang nắm giữ (chưa tính mức giá chốt phiên 30/9), ước tính có giá trị vào khoảng gần 10.000 tỷ đồng, ông Quyết đã trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt, sau ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup (gần 32.000 tỷ đồng) và trước người thứ 3 là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long (gần 8.500 tỷ đồng).
Sau phiên giao dịch 30/9, bên cạnh FLC, cổ phiếu ROS cũng đã tăng trần phiên thứ 4 liên tiếp lên 34.100 đồng/CP.
Trên sàn HNX, cổ phiếu HUT tiếp tục thể hiện sự vượt trội với 6,6 triệu đơn vị được khớp và tăng 3,1% lên 13.200 đồng/CP. Trong khi đó, PVX cũng giữ vững sắc tím với 2,56 triệu đơn vị khớp lệnh, cho dù vẫn còn dư bán giá trần 2.500 đồng/CP là 1,849 triệu đơn vị. Đây là 2 mã thể hiện tích cực nhất trên HNX.
Theo Đầu tư chứng khoán