Mặc dù chịu áp lực từ đà giảm mạnh của một số mã lớn như VIC, MSN, nhưng nhờ sự tiếp sức của nhóm ngân hàng, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng để tiến tới các ngưỡng cao mới.
Mức đỉnh của gần 9 năm đã được VN-Index chinh phục. Tuy nhiên, tại đây, chỉ số này bắt đầu rung lắc do áp lực chốt lời. Hoạt động chốt lời được gia tăng trong thời điểm cuối phiên và tập trung vào các mã lớn là lý do chính khiến VN-Index phải thoái lui trong phiên giao dịch sáng nay.
Trong phiên giao dịch chiều, một lần nữa kịch bản này được lặp lại. Tuy nhiên, khác với phiên sáng, áp lực bán trong thời điểm xác định giá đóng cửa không thực sự mạnh. Bởi vậy, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh. Trong khi đó, với sự hồi phục trở lại của một số mã bleuchips, đà tăng của HNX-Index được nới rộng hơn.
Áp lực là không lớn, song sức cầu trong phiên chiều này lại thể hiện sự sa sút rõ rệt so với phiên sáng, khiến hoạt động giao dịch không mấy sôi động, từ đó ảnh hưởng lên thanh khoản chung của thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/9, với 123 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 1,83 điểm (+0,27%) về 686,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 125,39 triệu đơn vị, giá trị 2.612,42 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận tiếp tục có đóng góp đáng kể với hơn 16,5 tiệu đơn vị, giá trị gần hơn 532 tỷ đồng. Bên cạnh thỏa thuận của 4,899 triệu cổ phiếu PAC, giá trị 196 tỷ đồng và 3,5 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 17,6 tỷ đồng, còn có các thỏa thuận đáng chú ý khác là 1,4 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 61,6 tỷ đồng và 1,312 triệu cổ phiếu SHI, giá trị xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Tương tự, với 92 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+1,01%) lên 84,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,04 triệu đơn vị, giá trị 491,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,66 triệu đơn vị, giá trị 72,72 tỷ đồng, bao gồm các thỏa thuận của 1,47 triệu cổ phiếu TVC, giá trị 17,7 tỷ đồng; 2,47 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 11,36 tỷ đồng và 1,98 triệu cổ phiếu SPP, giá trị 34,37 tỷ đồng.
Nhìn chung, diễn biến thị trường trong phiên giao dịch không có đột biến. Việc GAS và BVH quay đầu tăng trở lại 1% và 1,6%, còn VNM về được mốc tham chiếu 140 đồng/CP đã hỗ trợ khá tốt cho VN-Index, cho dù VIC và MSN tiếp tục là gánh nặng. VIC giảm 2,8% về 44.650 đồng/CP, còn MSNgiảm mạnh hơn, với 4,4% về 67.500 đồng/CP.
Áp lực khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần yếu đà, song các mã chủ lực như VCB, BID và CTG vẫn tăng điểm, qua đó hỗ trợ phần nào cho chỉ số. Cùng với đó là sự bổ sung của FPT, SSI, HPG, HSG…
Bên cạnh đó, thanh khoản của nhóm cổ phiếu bleuchips cũng tích cực. BID và HPG cùng khớp trên 3 triệu đơn vị. SSI khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn VNM, VIC, VCB, REE, PVD, HSG, FPT, CII và SBT đều khớp trên 1 triệu đơn vị.
HVG sau thông tin về dự báo kết quả kinh doanh 2016 khả quan đã tăng trần từ sớm và duy trì sắc tím đến hết phiên, khớp lệnh 0,776 triệu đơn vị và còn dư mua trần 0,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, thanh khoản của nhóm cổ phiếu đầu cơ đã chững lại, gia tăng không mạnh. FLC khớp 9,72 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, song đóng cửa vẫn giảm 2,2% xuống 4.790 đồng/CP.
KBC gây chú ý khi quay đầu tăng 0,5% lên 19.100 đồng/CP, thanh khoản cũng tăng cao với 7,18 triệu đơn vị được khớp. Một số mã có thanh khoản trội hơn phần còn lại là DLG, BHS, TLH, ITA và HAG.
VHG giảm về mức sàn 2.340 đồng/CP (-6,8%) và khớp 2,7 triệu đơn vị. TTF cũng đo sàn tại mức giá 7.910 đồng/CP (-6,9%) và khớp 1,24 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến đã có sự cải thiện nhẹ. Trong đó, ACB tiếp tục mở rộng đà tăng lên 5,2%, đạt 18.200 đồng/CP, thanh khoản cũng tăng cao khi khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị. Cùng với HUT, VND, AAA và thêm sự hỗ trợ của PLC, BVS và SHS để nâng đỡ HNX-Index.
PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản của sàn với 3,04 triệu đơn vị được khớp, tiếp theo là HUT với 2,34 triệu đơn vị. Các mã VND, VCG, PVS, SCR, SHB cùng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, nhưng chỉ VND tăng điểm, với mức tăng mạnh 6,1% lên 13.900 đồng/CP.
Theo Đầu tư chứng khoán