Trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng, thì áp lực bán, nhất là tại các mã có tính đầu cơ lại gia tăng mạnh, đẩy hàng loạt mã đóng cửa ở mức sàn với dư bán sàn còn khá lớn. VN-Index tiếp tục có phiên phục hồi hụt khi mất điểm trong những phút cuối phiên.
Thị trường đang khá xôn xao về quy chế giao dịch mới thay đổi từ ngày 12/9. Bên cạnh các quan điểm thiếu tích cực của nhà đầu tư, nhiều chuyên gia chứng khoán đã có những cái nhìn khá trái ngược. Như ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDIRECT đánh giá, dù có thể gây khó khăn ban đầu do nhà đầu tư chưa quen, nhưng quy chế giao dịch mới tại 2 Sở là chuyển biến quan trọng nhất trong 15 năm trở lại đây của cơ chế giao dịch cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.
Ông Giang còn nhấn mạnh, việc chia nhỏ bước giá sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội để thực hiện các lệnh đặt của mình tốt hơn, tốc độ khớp lệnh cũng sẽ tăng lên khi người mua và người bán có thể dễ tìm đến nhau hơn.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra sau 4 phiên giao dịch chính thức áp dụng quy chế mới, thị trường vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực với việc ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp tục thanh khoản suy giảm mạnh.
Trong phiên 15/9, nhà đầu tư đã có phần quen mắt hơn với bảng điện tử nhưng các lệnh đặt mua vẫn khá thận trọng, giao dịch trên cả 2 sàn tiếp tục cầm chừng bởi tâm lý chủ yếu là quan sát. Tuy nhiên, áp lực bán giá thấp đã có phần tiết giảm, cùng sự phục hồi của một số mã lớn như VIC, VCB, KDC… đã giúp thị trường đón nhận những nhịp tăng tích cực.
Tâm lý nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn về cuối phiên sáng khiến lực bán gia tăng, sắc đỏ chiếm áp đảo cùng áp lực điều chỉnh của các mã lớn khiến thị trường quay đầu giảm điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán vẫn duy trì đều đặn trong khi dòng tiền tham gia khá hạn chế khiến hầu hết thời gian VN-Index đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Mặc dù thị trường có đợt hồi nhẹ khi gần về cuối phiên nhưng lực cầu chưa đủ mạnh để giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh.
Trong khi các cổ phiếu lớn như VNM, MSN, MWG đang là lực hãm chính đến thị trường thì trụ cột VIC vẫn duy trì đà tăng khá mạnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành cổ phiếu thưởng. Với mức tăng 1.770 đồng (+4,5%), VIC leo lên mức giá 41.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 0,82 triệu đơn vị.
Mặt khác, KDC không còn giữ sắc xanh trước áp lực bán ra trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và quay về mốc tham chiếu; còn cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng là VCB cũng đảo chiều giảm điểm góp gần kéo thị trường đi xuống.
Bên cạnh gánh nặng từ các cổ phiếu lớn, áp lực điều chỉnh của các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ trên thị trường như FLC, FIT, HHS, VHG… quay đầu giảm sàn, cũng là tác nhân khiến VN-Index khó có cơ hội phục hồi.
Trong đó, FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 14,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa ở mức giá sàn 4.480 đồng/CP. Tiếp đến, FIT có khối lượng khớp lệnh 4,86 triệu đơn vị, với mức giảm 6,9% xuống giá sàn 4.850 đồng/CP; HHS cũng ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và khớp 4,35 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, VHG sau công bố bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới cũng chưa thấy “ánh sáng”. Cụ thể, VHG sẽ bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty thay ông Trần Xuân Hiếu. Đóng cửa phiên hôm nay, VHG giảm 6,6%, xác lập phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với khối lượng khớp 3,45 triệu đơn vị.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 158 mã giảm và 86 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,46 điểm (-0,07%) xuống 656,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,72 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.832,26 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,58 triệu đơn vị, trị giá 115,19 tỷ đồng. Nhóm VN30 là nhân tố chính khi có tới 21 mã giảm và chỉ 7 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 1,91 điểm xuống 645,02 điểm.
Trong khi đó, sau thời gian ngắn le lói sắc xanh trong phiên sáng, sàn HNX đã lùi về dưới mốc tham chiếu và giao dịch trong sắc đỏ đến hết ngày.
Với 116 mã giảm và 64 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,55%), đứng ở mức 82,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 34 triệu đơn vị, trị giá 433,5 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3 triệu đơn vị, trị giá 65,82 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,72 điểm xuống 151,05 điểm khi có 21 mã giảm và chỉ 3 mã tăng.
Trên sàn HNX, SHB là cổ phiếu có khối lượng khớp lớn nhất sàn đạt gần 2,5 triệu đơn vị, tuy nhiên, cùng với áp lực bán ra trong nước và cung ngoại mạnh, SHB đã giảm 2% khi đóng cửa, xuống mức 4.900 đồng/CP.
Trái lại, cổ phiếu lớn ngành dầu khí là PVS cũng giảm khá mạnh dù nhận được cầu ngoại khá tốt. Đóng cửa, PVS giảm 2,93% xuống mức 19.900 đồng/Cp và khớp 1,43 triệu đơn vị.
Theo Đầu tư chứng khoán