Sau chuỗi phiên điều chỉnh liên tiếp về ngưỡng 140.000 đồng, VNM đã bật lại mạnh mẽ trong phiên chiều nay. Tuy nhiên, sự khởi sắc của VNM không giúp VN-Index có được sắc xanh khi thiếu một chút may mắn.
Sau khi có chuỗi tăng mạnh trong tháng 8, lên mức 156.000 đồng (đã điều chỉnh), VNM đã có nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 9 do áp lực chốt lời, nhất là từ khối ngoại. Sau chuỗi phiên giảm điểm, VNM đã về vùng giá 140.000 đồng, được xem là vùng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu này.
Trong phiên giao dịch sáng, dù vẫn chịu áp lực bán khá mạnh từ khối ngoại, nhưng VNM vẫn trụ vững ở ngưỡng hỗ trợ 140.000 đồng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, nhận thấy đây là vùng đáy của đợt điều chỉnh này, nên lực cầu chảy mạnh để tranh thủ bắt đáy, bởi sắp tới, sẽ có lực cầu khủng từ các quỹ ETF mua vào VNM. Lực cầu lớn đã đẩy VNM lên thẳng mức 145.800 đồng, tăng 3,26%, trước khi điều chỉnh nhẹ, chốt phiên ở mức giá 144.900 đồng, tăng 2,62% với 2,43 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài VNM, phiên hôm nay cũng ghi nhận sự tích cực của một số mã bluechip khác như HPG (+1,63%, khớp 3,4 triệu đơn vị), HSG (+3,8%, khớp 2,33 triệu đơn vị), BVH (+1,15%), GAS (+0,64%), FPT, DPM, DHG, MWG…
Sự khởi sắc của VNM và các mã trên đã giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm ngay khi bước vào phiên chiều. Tuy nhiên, áp lực từ một số mã lớn khác khiến VN-Index vẫn chưa thể thoát được phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần, dù mức giảm rất ít.
Cụ thể, đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,01%), đứng ở mức 659,72 điểm với 107 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,7 triệu đơn vị, giá trị 2.173,78 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,44 triệu đơn vị, giá trị 313,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%), lên 83,86 điểm với 92 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,2 triệu đơn vị, giá trị 484,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,22 triệu đơn vị, giá trị 52,8 tỷ đồng.
Việc VN-Index không thể có được sắ xanh trong phiên hôm nay là do áp lực từ một số mã lớn khác, đặc biệt là VCB khi mã này giảm 3,87%, xuống 36.000 đồng với 2,16 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đó là VIC khi giảm 1,4%, xuống 49.100 đồng, MSN giảm 0,72%, xuống 68.500 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến CTG, BID, PVD…
Mã có thanh khoản tốt nhất HOSE hôm nay là DLG với tổng khớp 6,14 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu 4.750 đồng, dù có lúc đã bị đẩy về mức sàn 4.420 đồng.
ROS vẫn duy trì sắc tím khi số lệnh bán không còn, trong khi bên mua liên tục nhồi vào, khiến mã này đóng cửa phiên hôm nay còn dư mua trần 1,22 triệu đơn vị, trong khi tổng khớp không có nhiều thay đổi so với phiên sáng.
Cùng với ROS, TTF cũng duy trì đà tăng trần trong phiên hôm nay, lên 10.150 đồng và đây cũng là mức giá khớp duy nhất của mã này trong phiên chiều nay. Trong khi đó, TNT chưa chấm dứt được chuỗi giảm sàn của mình và hiện giá cổ phiếu này đã lùi về mức 6.580 đồng. Sau 22 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu này đã mất gần 78% giá trị.
Trên HNX, VCG cũng trở lại sắc xanh với mức tăng tối thiếu với tổng khớp 2,35 triệu đơn vị, đứng sau SCR (4,13 triệu đơn vị) và HUT (3,15 triệu đơn vị). Cũng giống VCG, 2 mã trên cũng đóng cửa trong sắc xanh nhạt.
Theo Đầu tư chứng khoán