Lực cầu bắt đáy khi VN-Index xuống ngưỡng hỗ trợ 645 điểm giúp thị trường hồi dần, nhưng dòng tiền không đủ mạnh để giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm điểm, thậm chí là lấy lại được mốc 650 điểm trong phiên chiều.
Trong phiên sáng, thị trường điều chỉnh khá mạnh sau sắc xanh nhạt đầu phiên. Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt gánh nặng từi “ông lớn” VNM khi có thời điểm giảm tới 4.000 đồng/CP khiến VN-Index lùi sâu về ngưỡng 645 điểm. Tại ngưỡng hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy gia tăng, giúp chặn đà giảm của chỉ số.
Trong phiên giao dịch chiều, áp lực bán giá thấp đã được tiết giảm, giúp VN-Index tiến dần về tham chiếu và tưởng chừng sẽ có phiên đảo chiều ngoạn mục. Tuy nhiên, sự thận trọng của dòng tiền khiến điều này không xảy ra, thậm chí VN-Index không thể giữ được mốc 650 điểm khi đóng cửa phiên đầu tuần.
Trong nhóm bluehcip, VNM tiếp tục gây chú ý. Dù có thời điểm, VNM đã đảo chiều thành công, nhưng sức ép cung ngoại, khiến cổ phiếu này quay đầu giảm khá mạnh đã góp phần hãm thị trường.
Hôm nay, VNM vừa có công bố báo cáo tài chính quý II/2016 hợp nhất đã soát xét. Theo đó, VNM ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.986 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 60,32% kế hoạch năm. Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng một lần nữa hiệu ứng “tin ra là bán” xuất hiện. Đồng thời, mức giá xuống khá thấp và hợp lý khiến dòng tiền đổ vào mạnh, thanh khoản VNM ở mức cao.
Đóng cửa, VNM giảm 3.000 đồng (-1,9%) xuống 155.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh hơn 1,7 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 266 tỷ đồng và khối ngoại bán ròng 648.110 đơn vị.
Bên cạnh VNM, cặp đôi ngành thép cũng giảm khá mạnh nhưng cũng đóng góp lớn vào thanh khoản thị trường, cụ thể HSG giảm 4,06% và khớp 3,5 triệu đơn vị; HPG giảm gần 1% và khớp 4,65 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch thiếu tích cực, tiêu biểu, cổ phiếu đầu ngành VCB giảm 1,85%, các mã khác như CTG, EIB, STB cũng đều giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên thị trường với ITA đã chuyển nhượng thành công 7,63 triệu đơn vị; HHS khớp hơn 4,23 triệu đơn vị, VHG, HAR, KBC cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Mặt khác, cặp đôi cổ phiếu dầu khí là PVD và GAS tiếp tục tăng cao, cùng sự góp sức của một số mã bluechip khác như VIC, DPM, FPT đảo chiều tăng điểm, tuy nhiên, lực đỡ không đủ mạnh để giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm điểm trước sức ép của các cổ phiếu bluechip khác cùng sắc đỏ lan rộng thị trường.
Đóng cửa, sàn HOSE có 157 mã giảm và 65 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,85 điểm (-0,59%) xuống 648,38 điểm. VN30-Index giảm 3,76 điểm xuống 635,41 điểm khi có 17 mã giảm, 7 mã tăng và 6 mã đứng giá.
Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt 92,79 triệu đơn vị, giá trị 2.044,42 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip đóng góp tỷ trọng lớn với khối lượng khớp lệnh 38,44 triệu đơn vị, trị giá 1.169,33 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, dù các cổ phiếu dầu khí tiếp tục nới rộng đà tăng, cùng sắc xanh xuất hiện ở các mã lớn khác như VCG, HUT, LAS nhưng HNX-Index vẫn chưa thể phục hồi trước áp lực bán khá mạnh và lan rộng.
Với mức giảm 0,5 điểm (-0,6%), HNX-Index đứng ở mức 83,21 điểm khi có 122 mã giảm và chỉ 72 mã tăng. Thanh khoản giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,27 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 396,41 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,66 điểm xuống 150,76 điểm với 7 mã tăng, 11 mã giảm và 12 mã đứng giá.
SCR vẫn đứng giá tham chiếu và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 2,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Các mã khác gồm PVS, DCS, VCG, HUT, HLB, TIG cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Theo Đầu tư chứng khoán