Một lần nữa kịch bản cũ lặp lại khi VN-Index thất bại trong những phút cuối của phiên. Tuy nhiên, thị trường vẫn nổi lên những điểm sáng nhỏ lẻ ở nhóm cổ phiếu đầu cơ bất động sản.
Mặc dù thanh khoản kém sôi động nhưng VN-Index khá “chắn chân” ở trên ngưỡng 580 điểm trong phiên giao dịch sáng. Chính vì vậy, phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/4 càng hấp dẫn hơn khi các diễn đàn chứng khoán đang nổi lên “làn sóng” quyết tâm giữ mốc 580 điểm, ngưỡng kháng cự mạnh sau quãng thời gian dài thất bại.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục nổi sóng, các cổ phiếu lớn bé đua nhau tăng mạnh kéo chỉ số VN-Index tăng gần 7 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cởi bỏ bởi những lần “vấp ngã” trước “bức tường lửa” trên trong thời gian qua của thị trường.
Một kịch bản quen thuộc trong những phiên gần đây lại được tái diễn, sau gần 30 phút bùng nổ trong phiên chiều, áp lực gia tăng khiến đà tăng hãm mạnh. Mặc dù sắc xanh vẫn được duy trì nhưng lực cầu khá yếu khiến VN-Index một lần nữa chào thua trước ngưỡng cản mạnh ở những phút cuối của phiên.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,37 điểm (+0,06%) lên 579,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 124,27 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.114,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 8 triệu đơn vị, trị giá 184,49 tỷ đồng.
VN30 là tác nhân lớn kéo thị trường hạ độ cao. Trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm, 8 mã tăng và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 1,74 điểm xuống 584,47 điểm.
Trong khi đó, trên sàn HNX, thị trường không thoát khỏi phiên đỏ điểm bởi lực hãm của các cổ phiếu lớn cùng sắc đỏ lan rộng bảng điện tử. Với 105 mã giảm, 89 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 80,26 điểm. HNX30-Index giảm 0,04 điểm xuống 142,21 điểm với 14 mã giảm, 6 mã tăng và 10 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn đạt 56,29 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 592 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 13,93 triệu đơn vị, trị giá 116,54 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của 10,53 triệu cổ phiếu SHB, trị giá hơn 65 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, VNM chỉ còn tăng nhẹ 0,7%, trong khi MSN, BVH đứng giá tham chiếu. Đáng chú ý, VIC trở thành một trong những “tội đồ” khiến thị trường rớt giá khi bất ngờ đảo chiều giảm gần 1% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 52.000 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu vẫn tiếp diễn. Cổ phiếu đầu ngành VCB sau báo lãi trước thuế quý I hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ đã đã có những phút đột phá phiên sáng, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên chiều.
Áp lực điều chỉnh chung từ thị trường khiến VCB chỉ còn tăng nhẹ 200 đồng (+0,47%), đứng giá 42.500 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép sau những phiên giao dịch tích cực đã chững lại và nhiều mã quay đầu giảm điểm như HPG, NKG, TLH, VGS, POM…
Trong khi gánh nặng của các cổ phiếu lớn là tác nhân khiến thị trường rớt điểm thì ở nhóm cổ phiếu đầu cơ bất động sản vẫn nổi lên một số điểm sáng.
FLC sau gần một tuần đứng giá tham chiếu hoặc đỏ điểm đã vượt qua mốc tham chiếu tăng nhẹ 1,6%, đứng ở mức giá 6.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,83 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
DLG tiếp tục duy trì đà tăng mạnh và giao dịch sôi động. Đóng cửa, DLG tăng 4,1% lên 7.700 đồng/CP và khớp 4,63 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, những đợt sóng nhỏ lẻ trước đó như HAG-HNG hay KBC cũng nhanh chóng bị dập tắt, các mã này đều rơi xuống dưới mốc tham chiếu trong phiên giao dịch cuối tuần.
Theo Đầu tư chứng khoán