Ngoài nhóm khoáng sản, dầu khí, đúng như nhận định của các chuyên gia, cổ phiếu có thông tin nới room tiếp tục tạo sức hút lớn với nhà đầu tư.
Cùng với kết quả kinh doanh quý IV/2015, thì thông tin nới room đang là thông tin có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường hiên nay.
Sau thời gian dài bị “quên lãng” do những vướng mắc trong quá trình triển khai, thông tin nới room lại trở lại là thông tin có tác động lớn tới thị trường khi các vướng mắc liên quan đến với nới room được cơ quan quản lý dần tháo gỡ và thực tế đã có nhiều doanh nghiệp quyết định nới room, kể cả lĩnh vực ngân hàng.
Chính nhờ thông tin nới room đã giúp thị trường có được những phiên tăng giá ấn tượng tần trước với các nhóm cổ phiếu thay nhau dẫn dắt và đây vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu theo một số chuyên sẽ được nhà đầu quan tâm lớn trong tuần này.
Đúng như nhận định, trong phiên giao dịch sáng, trong khi các mã ngân hàng có tin đồn nới room hạ nhiệt, thì REE lại nổi lên thay thế khi công ty này chính thức được nới room ngoại lên 49%, từ mức 43,7%, đồng nghĩa với việc khối ngoại sẽ được mua thêm gần 14,3 triệu cổ phiếu REE.
Thông tin này đã giúp REE từ mức dưới tham chiếu khi mở cửa, tăng thẳng lên mức trần 26.200 đồng trước khi hạ nhiệt nhẹ trở lại.
Trong phiên giao dịch chiều, REE tiếp tục nhận được lực cầu khá mạnh, giúp mã này duy trì đà tăng tốt trong suốt phiên. Chốt phiên chiều REE tăng 6,12%, lên 26.000 đồng với 2,56 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, sau 1 tuần lình xình do hiệu ứng nới room bị chùng xuống, MBB đã trở lại đà tăng mạnh trong phiên chiều nay nhờ lực cầu ngoại. Cụ thể, trong phiên hôm nay khối ngoại mua vào chiếm hơn 82% trong tổng số 2,9 triệu cổ phiếu MBB được khớp. Nhờ lực cầu ngoại này, MBB đã tăng 3,43%, lên 15.100 đồng khi chốt phiên hôm nay.
Một số mã khác cũng tăng điểm tốt nhờ lực cầu ngoại phiên hôm nay là BHS, tăng 1,64% với 3,64 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào chiếm gần 25%.
Trong khi đó, BIC sau tuần tước giá ấn tượng trước đó với thông tin nới room lên 49%, đã bị chốt lời trong tuần này. Chốt phiên hôm nay, BIC giảm 4,65%, xuống 20.500 đồng.
Tương tự, sau khi có những phiên nổi sóng tuần qua, CTG và BID cùng đảo chiều trong tuần này. Sau khi giảm khá mạnh, BID cũng chỉ có được tham chiếu 17.700 đồng trong phiên hôm nay với 1,87 triệu đơn vị được khớp, trong khi CTG tiếp tục giảm 1,12%, xuống 17.600 đồng với gần 0,8 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài nhóm cổ phiếu có thông tin nới room, thì nhóm kháng sản vẫn tiếp tục duy trì sức nóng và là tâm điểm của thị trường trong 2 phiên đầu tuần. Trong phiên hôm nay, nhóm khoảng sản cũng duy trì sắc tím ở hàng loạt mã như BGM, BMC, FCM, KSH, KSS, LCM, trong khi KSA dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng tăng 3,45%, lên 6.000 đồng với 5,24 triệu đơn vị được khớp.
Dù tăng khá mạnh trong phiên khớp lệnh, nhưng KSA lại được sang tay tới 20 triệu đơn vị trong phiên thỏa thuận với mức sàn 5.400 đồng.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự khởi sắc của nhóm dầu khí trong phiên chiều. Trong phiên sáng, đà tăng của nhóm này bị ảnh hưởng do áp lực bán cuối phiên, nhưng trong phiên chiều, với việc giá dầu thô tiếp tục tăng, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng lấy lại đà tăng mạnh của mình.
Chốt phiên, PVD tăng 2,4% với 2,7 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 320.000 đơn vị; GAS tăng 2,11%, lên 43.600 đồng với 0,91 triệu đơn vị được khớp, có lúc mã này đã cán mức giá cao nhất ngày 44.200 đồng; PGD tăng 0,56%, lên 36.000 đồng, dù có lúc đã có mức giá trần 38.300 đồng…
Một số cổ phiếu đơn lẻ có thông tin hỗ trợ khác cũng tăng mạnh là CTD tăng trần lên 163.000 đồng và còn dư mua trần khi chốt phiên sau thông tin khởi công dự án có giá trị hợp đồng 300 tỷ đồng; DHC, CTT, HAX…
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng hồi phục tốt trong phiên hôm nay như VNM, FPT, giúp VN-Index giữ được sắc xanh khi chốt phiên, dù đà tăng bị hãm khá nhiều về cuối phiên do áp lực chốt lời gia tăng khi chỉ số này chạm mốc 565 điểm.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, VN-Index tăng 2,19 điểm (+0,39%), lên 561,56 điểm với 107 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 141,42 triệu đơn vị, giá trị 2.157,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,93 triệu đơn vị, giá trị 223,33 tỷ đồng. Đóng góp chính vào giao dịch thỏa thuận đến từ 20 triệu cổ phiếu KSA, giá trị 108 tỷ đồng được sang tay ở mức sàn 5.400 đồng.
Tương tự, với việc nhóm dầu khí nới rộng đà tăng, HNX-Index cũng đóng cửa phiên chiều cao hơn phiên sáng khi tăng 0,23 điểm (+0,3%), lên 78,96 điểm với 123 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,83 triệu đơn vị, giá trị 557,24 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,65 triệu đơn vị, giá trị 62,9 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí, ngoài PVS chỉ tăng nhẹ 1 bước giá trước sức ép của lực cung ngoại, còn lại PVB tăng 3,13%, lên 23.100 đồng, PVC tăng 2,22%, lên 13.800 đồng…
Ngoài nhóm khoáng sản vẫn duy trì sắc tím, sàn HNX chiều này cũng chứng kiến sự khởi sắc của các mã như NGC, SGO, DPS, ASA, BTS, LUT.
SCR là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với tổng khớp 2,3 triệu đơn vị, nhưng đứng ở mức giá tham chiếu 9.600 đồng.
Theo Đầu tư chứng khoán