Áp lực bán gia tăng mạnh, nhất là về cuối phiên đã khiến VN-Index giảm gần 1%, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Dù khá bình lặng trong phiên giao dịch khớp lệnh, nhưng VNM lại tạo đột biến trong phiên giao dịch thỏa thuận.
Trong phiên giao dịch sáng, với sự trở lại của nhóm dầu khí và duy trì đà tăng của nhóm ngân hàng giúp VN-Index tăng khá tốt đầu phiên, vượt qua mốc kháng cự 570 điểm. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, áp lực chốt lời gia tăng mạnh đã khiến thị trường không chịu được nhiệt, 2 chỉ số chính thức quay đầu giảm điểm.
Lực bán trong nửa cuối phiên sáng, cùng với sự thận trọng của bên mua khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về sự sụt giảm của thị trường trong phiên chiều.
Tuy nhiên, khi bước vào phiên chiều, lực đỡ của một vài bluechip giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm, nhưng sắc xanh không duy trì lâu khi áp lực chốt lời luôn thường trực để tung ra. Ngoài ra, ảnh tâm lý bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh cũng khiến VN-Index nhanh chóng giảm trở lại. Áp lực bán càng về cuối phiên càng mạnh, khiến VN-Index nới dần đà giảm về cuối phiên và thêm cú bồi trong đợt ATC khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Phiên giao dịch chiều cũng chứng kiến sự đột biến về thanh khoản khi tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 4.420 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự đột biến này đến từ phiên thỏa thuận với sự góp mặt của VNM.
Cụ thể, VN-Index giảm 5,22 điểm (-0,92%), xuống 562,82 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 144 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 151,4 triệu đơn vị, giá trị 4.420,48 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,65 triệu đơn vị, giá trị tới 2.447,26 tỷ đồng. Như đã đề cập, đóng góp vào sự đột biến này đến từ giao dịch thỏa thuận VNM khi có hơn 17,97 triệu cổ phiếu này được sang tên, giá trị lên tới 2.345,59 tỷ đồng. Giao dịch này đến từ việc khối ngoại sang tay nhau.
Trên HNX, diễn biến cũng giống HOSE khi nỗ lực đảo chiều trong ít phút giao dịch đầu phiên chiều, nhưng nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại. Tuy nhiên, HNX-Index bật nhẹ trở lại khi về sát mốc 78 điểm và thoát khỏi mức điểm thấp nhất ngày khi đóng cửa ở mức 78,51 điểm, giảm 0,39 điểm (-0,49%) với 94 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,35 triệu đơn vị, giá trị 678,45 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,5 triệu đơn vị, giá trị 129,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận 3 triệu cổ phiếu PVI, giá trị 75,3 tỷ đồng trong phiên sáng.
Ngoài giao dịch thỏa thuận đột biến, thì giao dịch của VNM trong phiên khớp lệnh không có nhiều điểm nhận. Thanh khoản đứng ở mức bình thường 0,78 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 129.000 đồng, giảm 1,53%.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ có BID và CTG có được sắc xanh khi cùng tăng 2 bước giá (+1,1%) với thanh khoản lần lượt 3,26 triệu đơn vị và 1,75 triệu đơn vị, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đà giảm của VCB cũng đã được hãm bớt khi chỉ còn giảm 1,18%, xuống mức 41.800 đồng, so với mức giảm 1,66% trong phiên sáng. Ba mã còn lại giảm 1-2 bước giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chính thức đảo chiều trong phiên chiều nay với PVD giảm 1,65%, xuống 23.800 đồng, GAS giảm 2,24%, xuống 41.800 đồng… Tương tự là nhóm bảo hiểm cũng đa số đóng cửa trong sắc đỏ với BVH giảm 2,83%, xuống 51.500 đồng, BIC giảm 1,83%, xuống 21.500 đồng, chấm dứt 3 phiên tăng trần liên tiếp, BMI giảm nhẹ 1 bươc giá, chỉ có PGI tăng 1,76% sau công bố kết quả kinh doanh năm 2015 khá khả quan.
Nhóm chứng khoán với 2 mã đại diện là SSI và HCM cũng nới rộng đà giảm dù vẫn nhận được lực cầu khá tốt. Trong đó, SSI giảm 1,75%, xuống 22.400 đồng với hơn 4,5 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào 1,23 triệu đơn vị; HCM giảm 3,44%, xuống 30.900 đồng với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp. Trong khi 2 mã nhỏ hơn là AGR và BSI lại có mức tăng nhẹ 1 bước giá.
Không nằm ngoài xu hướng, nhiều cổ phiếu thị trường cũng đồng loạt giảm giá như FLC (-2,9%), HAI (-3,92%), FIT (-2,41%), DLG (-3,45%). Ngược lại, cũng có một số lội ngược dòng thành công như JVC vẫn duy trì đà tăng như phiên sáng +4%, lên 4.800 đồng, OGC tăng 2,7% lên 3.600 đồng, BGM vẫn còn dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị…
Trên HNX, cổ phiếu có thanh khoản nhất là SCR cũng đã quay đầu giảm giá, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 9.600 đồng, giảm 1,03% với 15,15 triệu đơn vị được khớp. KLF giữ ở mức giá của phiên sáng và cũng là mức giá thấp nhất ngày 3.800 đồng, giảm 2,56% với 4,26 triệu đơn vị được khớp. Trong khi sắc xanh vẫn được duy trì ở một số mã khác như SHN, KVC, S99.
Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng đồng loạt giảm giá như PVS, PVC, PGS, PVB... với mức giảm trên dưới 2%.
Theo Đầu tư chứng khoán