Năm 2014, ngân hàng còn phải đối mặt trước nỗi lo mất vốn và nợ xấu gia tăng nên tiếp tục dè dặt cho vay, trong khi doanh nghiệp rất muốn vay nhưng sợ không trả được nợ.
Đây là kịch bản mà các chuyên gia tài chính đưa ra khi bình luận về hướng di chuyển của dòng tài chính – tín dụng năm 2014.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ quá hạn hiện nay vào khoảng từ 8 – 10% tổng dư nợ tín dụng, trong khi các ngân hàng thương mại (NHTM) thì đưa ra con số nợ quá hạn chỉ vào khoảng 4 – 5%.
Tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, con số đó là tính theo cách tính của chúng ta.
“Nếu tính theo tiêu chí quốc tế thì con số này còn cao hơn nữa, khi tiêu chí này được áp vào Việt Nam thì sẽ ‘lòi’ ra hết số nợ đọng còn ‘ẩn’ và khó hình dung nợ xấu lúc này sẽ lên tới bao nhiêu”, ông Cao Sĩ Kiêm cảnh báo.
Thực trạng này nói lên rằng, trong năm 2014 và các năm tiếp theo, nợ xấu sẽ còn tiếp tục “đeo bám” hệ thống NHTM. Việc xử lý đống nợ này không hề dễ dàng, mặc dù thời gian qua chúng ta đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ trên tổng số 300.000 tỷ đồng.
“Nhưng thật sự chúng ta chỉ mới chuyển được số nợ xấu này từ NHTM sang công ty mua bán nợ trên mặt giấy tờ, còn cái gốc là làm sao để bán được số nợ này để trả vốn về cho NHTM thì chúng ta chưa làm được”, ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định.
Theo các chuyên gia, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục rơi vào ách tắc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay, một số khác lại không dám vay vì lo không trả được nợ do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn trì trệ.
Còn về phía ngân hàng, huy động trong dân thì phải trả lãi cho dân, mà nếu không cho doanh nghiệp vay thì lấy lợi nhuận đâu để trả lãi. Đây là bài toán nan giải của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, nếu đẩy vốn mua trái phiếu như các năm vừa qua cũng không phải là giải pháp tối ưu.
Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, trong năm 2014 ngân hàng có 3 việc cần làm một cách tích cực: thứ nhất, hệ thống tín dụng nên “mở” ra tối đa với lãi suất thấp hơn, ưu đãi nhiều hơn cho 5 lĩnh vực ưu tiên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản phẩm phụ trợ và mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao.
Thứ hai, kiên quyết tập trung giải quyết nợ xấu theo phân loại mới; trong đó, trước hết các yếu tố về pháp lý phải được đảm bảo để các khoản nợ xấu khi chuyển sang công ty mua bán nợ có thể kinh doanh được, thu hút được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, liên quan đến thị trường vàng, năm 2014 tập trung huy động, tiêu thụ được lượng vàng khổng lồ từ trong dân và đầu mối, cơ chế xuất khẩu vàng cần phải “thoát” ra, thông thoáng hơn để tạo thị trường vàng vừa liên thông, vừa có tính chất ổn định.
Đứng về phía doanh nghiệp, để khơi thông được dòng vốn, theo các chuyên gia, yếu tố tiên quyết là phải sắp xếp lại, đẩy mạnh cổ phần hóa để minh bạch về tài chính, minh bạch về hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, phải quyết tâm loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém.
Bên cạnh đó, hệ thống doanh nghiệp phải kiên quyết đi theo nguyên tắc thị trường và phải chấp nhận dần các thông lệ quốc tế để hội nhập sâu rộng, cạnh tranh bình đẳng.
Đây được xem là lối thoát mang tính quyết định, rất khó khăn nhưng phải làm mới có thể tồn tại.
Theo Cafef.vn