Sáng 26/02/2013 tại Hà Nội, VietinBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2013. Dự Đại hội có ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW); Trung tướng Hoàng Kông Tư – Q.Tổng Cục trưởng Tổng cục an ninh II, Bộ Công An; ông Đặng Văn Thảo - Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Dương Văn Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; Đại diện các cơ quan của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ Công an, IFC tại Việt Nam; ông Hideki Gohbara - Tổng Giám đốc BTMU tại Việt Nam. Về phía VietinBank có ông Phạm Huy Hùng - Uỷ viên thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Văn Thắng - Uỷ viên HĐQT, Tổng giám đốc; các ông/bà trong Ban lãnh đạo; Trưởng ban kiểm soát; các cổ đông; cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước,…
Năm 2012, VietinBank tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh doanh an toàn hiệu quả. Tổng tài sản của ngân hàng tăng thêm 9,3% lên 503.605 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 13,5%; nợ xấu chiếm 1,46% tổng dư nợ; lợi nhuận trước thuế vượt 9% so với chỉ tiêu đã được điều chỉnh. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành ngân hàng.
Ngày 24/12/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 10584/VPCP – ĐMDN gửi VietinBank. Trong đó nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VietinBank bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) với mức không vượt quá 20% vốn điều lệ theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu, bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước và các cổ đông khác theo đúng quy định hiện hành.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang dè dặt với thị trường Việt Nam, thì việc VietinBank ký kết Hợp đồng đầu tư chiến lược với BTMU vào cuối năm 2012 đã trở thành một sự kiện nổi bật của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Sự kiện này không chỉ nâng uy tín, vị thế, sức mạnh của VietinBank lên tầm cao mới mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trước các nhà đầu tư quốc tế.
Đại hội đã nhất trí thông qua với tỷ lệ 100% các nội dung chính gồm: Phê duyệt việc lựa chọn BTMU làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại VietinBank; Phê duyệt việc phát hành 644.389.811 cổ phần phổ thông mới cho BTMU theo hình thức phát hành riêng lẻ theo quy định tại Hợp đồng đặt mua cổ phần giữa VietinBank và BTMU ngày 27/12/2012 và việc tăng vốn điều lệ tương ứng với giá trị cổ phần mới được phát hành cho BTMU; Phê duyệt việc đăng ký bổ sung số cổ phần phát hành cho BTMU với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và việc niêm yết bổ sung số cổ phần đó trên HOSE; Phê duyệt việc điều chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động, Giấy phép thành lập và hoạt động của VietinBank để ghi nhận số vốn điều lệ tăng thêm;…
|
Ban chủ tọa Đại hội. Ảnh: Mạnh Thắng. |
VietinBank sẽ phát hành cổ phiếu mới để chào bán cho BTMU và tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Cụ thể, loại cổ phần là cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng cổ phần phát hành: 644.389.811 cổ phần. Giá phát hành: 24.000 đồng/cổ phần. Thời điểm phát hành dự kiến Quý I hoặc Quý II/2013. Tổng số tiền thu về từ việc phát hành cổ phần là 15.465.355.464.000 đồng.
Vốn điều lệ của VietinBank đến 31/12/2012 là 26.217.545.370.000 đồng. Sau khi phát hành cổ phiếu mới cho BTMU, vốn điều lệ của VietinBank sẽ là 32.661.443.480.000 đồng. Cơ cấu cổ đông và tỷ lệ vốn cổ phần của các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu sau khi tăng vốn điều lệ như sau: Cổ đông Nhà nước chiếm tỷ lệ 64,46%; Cổ đông chiến lược nước ngoài chiếm tỷ lệ 19,73%; Cổ đông IFC và người có liên quan tỷ lệ 8,03%; Các cổ đông khác là 7,78%.
Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua việc giao và ủy quyền cho HĐQT VietinBank tiến hành các thủ tục cần thiết để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tiến hành tăng vốn theo kế hoạch và quy định.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng cho biết: “Việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia cơ cấu cổ đông của VietinBank là yêu cầu cấp thiết, có tính chiến lược. BTMU đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà VietinBank đặt ra đối với cổ đông chiến lược nước ngoài. Sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài là một tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu thế giới sẽ giúp VietinBank củng cố năng lực tài chính và nền tảng vốn tự có, tăng an toàn cho hoạt động. VietinBank sẽ khai thác nhiều nguồn lực quan trọng để nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại hóa ngân hàng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của VietinBank. VietinBank cam kết tiếp tục phát huy thế mạnh và kết quả đã đạt được, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống, đưa VietinBank phát triển bền vững, đảm bảo tối đa hoá lợi ích của cổ đông, ngày càng gia tăng uy tín, vị thế, hiệu quả hoạt động của VietinBank trên thị trường trong nước và quốc tế.”
VietinBank đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn được tăng thêm từ đợt chào bán này là: Tăng cường vốn cho tín dụng; Mở rộng mạng lưới kinh doanh ở trong và ngoài nước; Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển dịch vụ mới; Mở rộng hoạt động đầu tư, liên doanh, góp vốn;…