Ngày 6/11/2017, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 được tổ chức tại Hà Nội. Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank là diễn giả tại Diễn đàn năm nay.
|
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank là diễn giả tại VEPF 2017 |
Với chủ đề “Mobile Payment - Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”, VEPF 2017 do báo VnExpress và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tham dự Diễn đàn có ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng nhiều diễn giả nổi tiếng. Đặc biệt, ông Jack Ma - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay cũng đã có cuộc trò chuyện tại VEPF 2017.
Diễn đàn kéo dài trong 4 giờ, gồm 3 phiên thảo luận với gần 20 diễn giả uy tín hàng đầu trong và ngoài nước.
Tại phiên thảo luận về xu hướng Mobile Payment trên thế giới và Việt Nam, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng: Mobile đang trở thành vật thiết thân của mọi người dân, với nhiều tính năng. Đây là cơ hội để phổ biến thanh toán điện tử tới tất cả khách hàng. Ngoài Tokenization (phương thức bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm bằng cách thay thế nó với chuỗi số được mã hóa bằng thuật toán không thể đảo ngược), VietinBank hiện cũng triển khai Mobile Payment thông qua QR Code. Chưa bao giờ việc thanh toán điện tử có thể diễn ra đơn giản như thế. Đơn vị bán hàng chỉ cần download ứng dụng sản xuất QR Code, bản thân khách hàng cũng chỉ cần sử dụng ứng dụng của ngân hàng, quét QR Code là có thể thanh toán được.
Trước lo ngại của nhiều khách hàng cho rằng, liệu có phải chỉ khách hàng VietinBank mới có thể thanh toán QR Code được? Ông Lân chia sẻ, sự phát triển QR Code ở Việt Nam hiện nay còn manh mún, VietinBank đang phối hợp với các ngân hàng TMCP lớn để liên thông thanh toán bằng QR Code. Khách hàng quét QR Code có thể thanh toán từ tài khoản của nhóm 4 ngân hàng lớn. Để QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế thanh toán bằng tiền mặt, trước tiên cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR Code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
“Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR Code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán” - ông Trần Công Quỳnh Lân nói.
Xét về góc độ an toàn, bản thân ngân hàng, đơn vị công nghệ phải bảo đảm bảo mật, an toàn trong thanh toán. Trong 1 số trường hợp thanh toán bằng QR Code còn an toàn hơn rất nhiều so với thanh toán bằng các hình thức truyền thống.
Ông Lân cũng cho rằng: Để phát triển thanh toán, ngân hàng không thể đứng 1 mình, mà phải kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ khác trong các lĩnh vực: Mua sắm, du lịch, ẩm thực… Bản thân ngân hàng phải đổi mới, cung cấp dịch vụ thanh toán, kết nối với các công ty dịch vụ, mua sắm, y tế… tạo thành hệ sinh thái, phục vụ tiện lợi nhất cho khách hàng.
|
Đại biểu trải nghiệm QR Pay tại gian hàng của VietinBank
|
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR Code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR Code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018, con số này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code.
Cũng tại VEPF 2017, đại biểu tham dự thích thú với trải nghiệm mua sắm, thanh toán bằng QR Pay tại gian trưng bày của VietinBank.