So với phiên giao dịch hôm qua, hoạt động giao dịch trong phiên sáng nay đã “mất nhiệt” khá đáng kể khi tâm lý thận trọng được đẩy lên cao, thể hiện rõ ràng nhất qua sự sụt giảm của thanh khoản thị trường. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên HOSE và HNX phiên sáng nay chỉ đạt khoảng 1.174 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên sáng 4/1.
Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến khá giống với phiên sáng khi VN-Index bật lên đầu phiên, nhưng áp lực bán sau đó khiến chỉ số này đảo chiều xuống dưới tham chiếu. Về cuối phiên, nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip, VN-Index may mắn có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp trong năm 2017.
Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản thị trường ở mức thấp. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sự thận trọng này là điều dễ hiểu, khi thị trường đang phục thuộc quá nhiều vào diễn biến của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, bên cạnh việc thiếu thông tin tích cực hỗ trợ và còn chịu sự chi phối của tâm lý nghỉ lễ. Vì vậy, chiến thuật hợp lý nhất lúc này là “giữ tiền chờ cơ hội”.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh nhạt với mức tăng 1,11 điểm (+0,16%) lên 675,81 điểm. Toàn sàn HOSE có 117 mã tăng và 134 mã giảm, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 102 triệu đơn vị, giá trị 2.076,36 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 297 tỷ đồng, song chủ yếu đến từ giao dịc của 2 trái phiếu CAN và VIC. Các cổ phiếu có thỏa thuận đáng chú ý là 1,52 triệu đơn vị CII, giá trị 45,75 tỷ đồng; 1,2 triệu đơn vị ITA, giá trị 4,69 tỷ đồng và 1 triệu đơn vị SBT, giá trị 23,7 tỷ đồng.
Ngược lại, HNX-Index vẫn duy trì sắc đỏ với mức giảm đã được thu hẹp bớt là 0,27 điểm (-0,25%) về 81,33 điểm. Toàn sàn HNX có 65 mã tăng và 72 mã giảm, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 22,59 triệu đơn vị, giá trị 217,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là gần 29 tỷ đồng, với thỏa thuận đáng chú ý là 1,09 triệu cổ phiếu SHB, giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hoạt động giao dịch suy giảm, việc VN-Index duy trì được sắc xanh vẫn chủ yếu nhờ vào sự ổn định của các mã vốn hóa lớn là BVH, CTG, VIC, VCB, ROS, SAB.
Riêng BID đã quay đầu giảm 0,3% về 15.400 đồng/CP trước áp lực chốt lời, cùng với VNM và MSN hãm đà tăng của chỉ số. Nhưng sức nặng cũng giảm bớt, khi GAS cũng đã về được mốc tham chiếu.
Ngoài ra, một số bluechips khác như HSG, HPG hay SSI, HCM đều có được mức tăng tốt để nâng đỡ chỉ số. Được biết, HOSE vừa công bố Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu của các CTCK, trong đó SSI và HSC tiếp tục duy trì 2 vị trí đầu tiên.
Một số mã có thanh khoản cao là HPG (3,08 triệu đơn vị), HSG (2,47 triệu đơn vị), còn STB, BID, CII, PVD, REE và SBT đều khớp trên 1 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu thép khác là TLH cũng có thanh khoản tăng cao, đạt 2,024 triệu đơn vị. Mã ROS khớp lệnh 1,577 triệu đơn vị.
Phiên chiều nay cũng cho thấy sự chuyển biến khá tích cực của dòng tiền tại một cổ phiếu thị trường. Tiêu biểu là ITA với 10,49 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Ngoài ra còn phải kể đến KBC (5, 179 triệu đơn vị), SCR (5,698 triệu đơn vị, HBC (2,25 triệu đơn vị)... và tất cả đều tăng khá mạnh.
Ngược lại, HAG HQC và FLC khớp 3-4 triệu đơn vị, song đều giảm điểm.
Còn với DHM, đặc biệt là CDO, chuỗi ngày đen tối dường như chưa có hồi kết, khi CDO chính thức có phiên giảm sàn thứ 22 liên tục, còn DHM là 7 phiên. Lượng dư bán giá sàn tại CDO đã giảm về 1,44 triệu đơn vị và khớp lệnh chỉ là 16.000 đơn vị. DHM còn dư bán sàn 1,85 triệu đơn vị, khớp lệnh là hơn 46.000 đơn vị.
Trên HNX, mã VCG dẫn đầu thanh khoản với 2,464 triệu đơn vị. Các mã khớp được hơn 1 triệu đơn vị cũng chỉ có thêm HUT, CEO, KLF, SHN và PVX. Trong đó tăng điểm chỉ có VCG, HUT và CEO. HNX-Index chưa thể tăng trở lại chủ yếu là do thiếu sự hỗ trợ của nhóm HNX 30.