Tâm lý nghỉ Tết khiến thị trường hai tuần qua giao dịch khá trầm lắng, giao dịch tại nhiều mã chỉ cầm chừng với biên độ dao động giá không lớn. Với diễn biến như trên, nhiều người không kỳ vọng thị trường có thể phá vỡ được mức đỉnh cũ tồn tại hơn 3 tháng qua. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này, cũng là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (tuần này chỉ có 3 phiên giao dịch).
Trong phiên đầu tuần, VN-Index được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, bứt lên thử thách ngưỡng 690 điểm. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận lại mức đỉnh cũ, áp lực bán gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui và chỉ có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa.
Trong phiên giao dịch hôm nay, kịch bản cũ lại được lặp lại, nhưng lần này, ngoài nhóm ngân hàng, nhiều mã cổ phiếu lớn khác cũng được sử dụng để giúp VN-Index chính thức vượt qua đỉnh cũ 690 điểm trước Tết.
Không chỉ giúp VN-Index vượt qua đỉnh cũ được xác lập từ tháng 10/2016, diễn biến phiên át chót trước kỳ nghỉ Tết cũng có nhiều đột biến khi dòng tiền bất ngờ gia nhập tại một số mã thị trường như HAG, HNG, HQC, KLF và đặc biệt là lực cầu bắt đáy mạnh tại CDO giúp mã này tăng trần sau 34 phiên giảm sàn liên tiếp.
Phiên giao dịch chiều diễn biến không có nhiều điểm đáng chú ý khi đà tăng của các mã lớn vẫn được duy trì với giao dịch diễn ra chậm.
Có thời điểm, khi một số mã lớn nhích thêm, VN-Index đã tiến sát ngưỡng 693 điểm, nhưng áp lực bán gia tăng vừa đủ để giúp giữ chỉ số này không tăng quá nóng.
Chốt phiên 24/1, VN-Index tăng 4,21 điểm (+0,61%), lên 691,36 điểm với 181 mã tăng và 72 mã giảm, trong đó có 16 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,4 triệu đơn vị, giá trị 1.928,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 432,5 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,88%), lên 83,74 điểm với 102 mã tăng và 54 mã giảm, trong đó có 13 mã tăng trần, 16 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 14,64 triệu đơn vị, giá trị 162,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,6 triệu đơn vị, giá trị 6,6 tỷ đồng.
Trên HOSE, đà tăng của nhóm ngân hàng vẫn được duy trì nhưng không mạnh, trong đó thanh khoản tốt nhất vẫn là BID và STB với hơn 3,1 triệu đơn vị được khớp mỗi mã. CTG cũng có thanh khoản tốt với hơn 2,1 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí lại tăng khá tốt với GAS tăng 2,56%, PVD tăng 3,49%.
Trong các mã lớn khác, trong khi VNM mất đà tăng, lùi về tham chiếu, thì SAB, MSN cũng tiến về điểm xuất phát dù trong phiên sáng giảm giá. Ngoại trừ VIC nới rộng đà giảm, xuống mức thấp nhất ngày 41.500 đồng, giảm 1,19%.
Các mã có sắc tím trong phiên sáng vẫn duy trì được mức trần trong phiên chiều khi lực cung không còn nhiều, trong khi lệnh đua mua giá trần vẫn tiếp tục được tung vào. Trong đó, HAG được khớp 9,26 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 1,36 triệu đơn vị, HNG được khớp 1,92 triệu đơn vị, còn dư mua trần 0,41 triệu đơn vị, HQC được khớp 7,34 triệu đơn vị, còn dư mua trần 1,15 triệu đơn vị, CDO được khớp 5,67 triệu đơn vị, còn dư mua trần 0,66 triệu đơn vị.
Ngoài ra, sắc tím cũng xuất hiện ở nhiều mã khác như LHG, KAC, KSH, BGM, BBC, ATA, APC, AGF.
Tương tự, trên HNX, các mã tăng trần trong phiên sáng như G20, DPS, KLF vẫn duy trì sắc tím khi chốt phiên hôm nay do lực cung không quá manh.
Trong số mã lớn, ACB nới rộng đà tăng, lên 23.500 đồng, tăng 2,62%, có lúc lên mức cao nhất ngày 23.800 đồng. Ngoài ra, nhóm dầu khí với PVS, PVC cũng lấy lại đà tăng, cùng với VCS, NHP, LAS hỗ trợ HNX-Index vượt qua ngưỡng 83,5 điểm.
Trên sàn này, chỉ có duy nhất SHB có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị và mã này đóng cửa ở mức tham chiếu 4.700 đồng. ACB và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt thứ 2 trên sàn, nhưng tổng khớp cũng chưa tới 800.000 đơn vị mỗi mã.
Trên sàn UPCoM, đà tăng cũng được nới rộng khi các mã lớn như ACV, HVN, VIB, FOX duy trì được đà tăng, MCH cũng đảo chiều đóng tăng trong sắc xanh. Trong khi đó, MSR, VOC đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,87%), lên 54 điểm với 45 mã tăng, 21 mã giảm, trong đó có 15 mã tăng trần, chủ yếu chỉ có 1 lệnh giao dịch tối thiểu và 7 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao địch dạt 3,08 triệu đơn vị, giá trị 70,52 tỷ đồng.
Trên sàn này, cũng chỉ có duy nhất SAS có tổng giao dịch trên 1 triệu đơn vị.