Không phân biệt thành phần kinh tế hay các vùng, miền, địa phương... dòng vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ (SPDV) của VietinBank đã “chảy” và “thấm” vào các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất nông nghiệp. VietinBank đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Việt Nam, đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường quốc tế và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
|
Ảnh minh họa |
Chủ động và kịp thời
Ngay sau khi Chính phủ ban hành giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT) mới thông qua Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 và Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010, phát huy vai trò là NHTM chủ lực, đi đầu trong việc đẩy mạnh cho vay phát triển NNNT, VietinBank đã kịp thời triển khai các chương trình tín dụng phục vụ các đối tượng, lĩnh vực Chính phủ khuyến khích. Các chương trình VietinBank đã và đang triển khai như: Cho vay sản xuất kinh doanh chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp xuất khẩu… Đồng thời, VietinBank chủ động đưa ra các giải pháp đồng bộ triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng tín dụng NNNT.
Ngoài vốn tín dụng cung cấp cho khu vực nông nghiệp, VietinBank còn cho vay các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp có cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; cho vay doanh nghiệp vệ tinh, cho vay Ngành Công nghiệp phụ trợ trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tuy nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng VietinBank luôn chủ động, tích cực triển khai giải pháp đồng bộ, kịp thời chung tay cùng Chính phủ và NHNN “khơi thông” vốn tín dụng vào khu vực kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh số bình quân cho vay NNNT giai đoạn 2010 - 2015 tại VietinBank mỗi năm đạt 116 nghìn tỷ đồng, dư nợ bình quân 70 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng trong năm 2011, VietinBank đã tích cực đẩy mạnh tăng trưởng cho vay NNNT với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Tính đến nay, dư nợ cho vay NNNT tại VietinBank đạt mức tăng gấp gần 3 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20% tổng dư nợ.
Cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp
Bên cạnh việc cung cấp vốn phát triển NNNT, VietinBank đã hỗ trợ khách hàng về những kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh (SXKD), quản lý tài chính... cũng như tư vấn toàn diện hơn trong xây dựng, phát triển các dự án, phương án SXKD. Do vậy, chất lượng tín dụng cho vay NNNT của VietinBank ở mức tốt, tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát. Song song với đó, VietinBank đã ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện phát triển NNNT và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều chương trình, SPDV cho vay NNNT theo định hướng của Chính phủ, NHNN đã và đang được VietinBank triển khai tích cực và có hiệu quả. Hiện nay, VietinBank đang tiến hành cho vay theo chuỗi liên kết giá trị khép kín từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản… theo Nghị quyết 14/NQ-CP. Đây là biện pháp đột phá, tạo cú hích đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. VietinBank cũng góp phần khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, hình thành liên kết dọc và ngang, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn.
Ngoài ra, VietinBank còn triển khai chương trình cho vay phát triển và tái cơ cấu NNNT vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đồng bằng Sông Hồng, miền núi, miền Trung - Tây Nguyên… Riêng với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - khu vực có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia, nơi cung cấp lương thực, nông thủy sản lớn nhất nước, VietinBank đã hỗ trợ tích cực thông qua việc mở 18 chi nhánh, hơn 102 phòng giao dịch và 184 máy ATM.
Đến nay, dư nợ tín dụng của VietinBank tại khu vực này đạt vào khoảng 55 nghìn tỷ đồng với gần 500 dự án. Trong đó, VietinBank đầu tư vốn vào nhiều dự án trọng điểm khu vực, ngành mũi nhọn như: Nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất lương thực với tổng mức đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng…
Bên cạnh đó, VietinBank còn là ngân hàng đầu mối quản lý, phục vụ các dự án do ADB và WB tài trợ như: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (1.260 triệu USD); dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển NNNT khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (160 triệu USD); dự án xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (410 triệu USD)… nhằm góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa của khu vực.
Song song với đó, VietinBank còn tích cực triển khai cho vay phát triển kinh tế ven biển theo Nghị định 67 với dư nợ của Ngành thủy sản tại VietinBank đạt gần 13 nghìn tỷ đồng với tất cả các đối tượng: Cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổng công ty/tập đoàn lớn. Trong đó, VietinBank chú trọng cho vay thu mua và chế biến thuỷ sản với dư nợ khoảng 11,5 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, VietinBank cũng rất tích cực cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: Trong thời gian tới, VietinBank tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNNT mới, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, đồng thời góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực NNNT là định hướng đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Để thực hiện có kết quả, mang lại nhiều thành tựu cho đất nước, bên cạnh sự cố gắng nội tại của khu vực NNNT, sự nỗ lực, hỗ trợ của hệ thống NHTM, quan trọng hơn còn cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành các cấp.