Diễn biến thận trọng khiến thanh khoản không cải thiện và VN-Index giảm điểm do tác động từ VCB và VNM. Trong khi đó, HNX-Index đã kịp hồi phục trong thời gian cuối phiên nhờ lực đỡ tốt của nhóm dầu khí.
Hai sàn tiếp tục thể hiện 2 trạng thái trái ngược nhau trong phiên giao dịch chiều. VN-Index chủ yếu diễn biến giằng co nhẹ dưới mốc tham chiếu bởi sức cầu tỏ ra hết sức thận trọng. Trong khi, HNX-Index phần lớn thời gian của phiên giữ được sắc xanh với sự ổn.
Dù có thời điểm cả 2 chỉ số cùng suy giảm, nhưng sức cầu trên sàn HNX đã tỏ ra tốt hơn, nhanh chóng đưa HNX-Index trở lại quỹ đạo. Trong khi chỉ vừa đủ để VN-Index không lùi sâu.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 13/5, với 85 mã tăng và 141 giảm, VN-Index giảm 1,3 điểm (-0,21%) xuống 610,82 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 2,07 điểm (-0,34%) về 609,77 điểm với 3 mã tăng và 21 giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 110 triệu đơn vị, giá trị gần 1.908 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,67 triệu đơn vị, giá trị 143,84 tỷ đồng.
Ngược lại, với 79 mã tăng và 110 giảm, HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0, 33%) lên 81,27 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,99 điểm (+0,68%) lên 145,45 điểm với 11 mã tăng và 14 giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,59 triệu đơn vị, giá trị 562,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,1 triệu đơn vị, giá trị 80,22 tỷ đồng. Đáng chú ý vẫn là thỏa thuận của 2 triệu cổ phiếu LAS, giá trị 59,8 tỷ đồng.
Áp lực cung là không mạnh, song do sức cầu yếu nên hầu hết các mã lớn vẫn giao dịch trong sắc đỏ.
MSN và BVH cùng giảm 1.500 đồng; VNM giảm 1.000 đồng…
HSG giảm mạnh 1.400 đồng xuống 46.200 đồng/CP và khớp được 2,14 triệu đơn vị. Còn HPG chẳng thể thay đổi được mức giảm 700 đồng xuống 33.300 đồng/CP, khớp lệnh 3,8 triệu đơn vị. Trong khi TLH vẫn đo sàn tại mức giá 9.600 đồng/CP và khớp được 2,15 triệu đơn vị.
SBT giảm tới 1.300 đồng xuống 31.200 đồng/CP, khớp lệnh 2,26 triệu đơn vị. Còn BHS chỉ giảm nhẹ 100 đồng về 18.300 đồng/CP, khớp được 2,5 triệu đơn vị.
Các mã như SSI, PVT, HVG, CII giảm nhẹ 1-2 bước giá, thanh khoản đều trên 1 triệu đơn vị. BID và CTG cùng đứng giá tham chiếu, BID khớp 3,1 triệu đơn vị, CTG khớp 1,6 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chẳng thể cải thiện tình trạng, đa phần là đứng dưới tham chiếu, thanh khoản không quá nổi bật.
TSC tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 7,08 triệu đơn vị được khớp, nhưng đã giảm 200 đồng xuống 8.000 đồng/CP. FLC khớp 5,1 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 6.400 đồng/CP.
Ngược lại, SAM và TTF tiếp tục nối dài chuỗi tăng với mức tăng khá tốt, thanh khoản từ 1-2 triệu đơn vị.
Trong bức tranh ảm đạm chung của thị trường, STB là điểm sáng hiếm hoi với phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, khớp lệnh 2,67 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn.
Cùng với đó là GAS và PVD. Trong đó, PVD ấn tượng hơn với mức tăng 1.000 đồng lên 25.700 đồng/CP và khớp 3,2 triệu đơn vị. GAS tăng 1.500 đồng lên 54.000 đồng/CP, khớp được 0,78 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào gần 0,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm dầu khí là bệ đỡ chính giúp chỉ số HNX-Index tăng điểm. Trong đó, PVS tăng khá mạnh 400 đồng lên 17.400 đồng/CP và khớp 2,06 triệu đơn vị.
Nếu trên HOSE có STB, thì trên HNX có SHB. Dù không tăng mạnh, song SHB có thanh khoản ấn tượng với 5,37 triệu đơn vị được khớp, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua.
Ngoài ra, đạt mốc thanh khoản từ 1-2 triệu đơn vị còn có VGS, TVC, KHB và SCR. SCR tăng nhẹ 100 đồng lên 8.900 đồng/CP.
Theo Đầu tư chứng khoán