Sau khi đảo chiều bất thành ở những phút cuối phiên sáng, thị trường bước sang phiên chiều không mấy tích cực khi áp lực chốt lời gia tăng mạnh khiến Vn-Index lao dốc khá nhanh, đánh mất hơn 6 điểm.
Đà giảm được ngăn chặn sau gần 40 phút giao dịch nhờ lực cầu bắt đáy khá tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý còn thận trọng, thị trường lại tiếp tục đón nhận thêm thông tin chứng khoán Nhật Bản rơi thằng và sự sụt giảm mạnh mẽ của hàng loạt chỉ số chứng khoán châu Á khác khiến lực bán một lần nữa được đẩy lên cao.
Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất trong ngày.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 143 mã giảm và 69 mã tăng, trong đó, có 26 mã giảm sàn và chủ yếu là các mã vừa và nhỏ. Chỉ số VN-Index giảm 6,33 điểm (-1,18%) xuống 529,44 điểm. Trong đó, nhóm VN30 vẫn là tác nhân chính khi giảm 6,05 điểm xuống 544,24 điểm với 24 mã giảm, chỉ 4 mã tăng và 2 mã đứng giá.
Thanh khoản trên sàn HOSE tăng đáng kể đạt 128,32 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.916,26 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp lớn đạt 18,22 triệu đơn vị, trị giá 540,38 tỷ đồng, đáng chú ý VNM thỏa thuận 1,8 triệu đơn vị, trị giá 217,72 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa giảm 0,37 điểm (-0,5%) xuống 73,93 điểm với 106 mã giảm, 87 mã tăng. Thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,77 triệu đơn vị, trị giá 355,13 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,92 điểm xuống 127,22 điểm với 13 mã giảm, 6 mã tăng và 11 mã đứng giá.
Hầu hết các cổ phiếu bluechip đều giảm mạnh về cuối phiên, trong đó, sức nặng chính kìm hãm thị trường là các mã dầu khí.
Cụ thể, PVD có lúc giảm sàn và chốt phiên giảm 5,37% xuống 19.400 đồng/CP trong khi GAS lùi về mức thấp nhất trong phiên với biên độ giảm 3,76% xuống 30.700 đồng/CP, các mã lớn trong ngành trên HNX cũng trên đà lao dốc như PVX nằm sàn, PVS giảm 2,2% xuống 13.300 đồng/CP, PVC giảm 5,98% xuống 11.000 đồng/CP, PVB giảm 8,33% xuống gần mức sàn 20.900 đồng/CP…
Cổ phiếu đáng chú ý HAG tiếp tục đón nhận một ngày đen tối khi tiếp tục phá đáy. Chốt phiên, HAG giảm 6,25% xuống mức sàn 9.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 8,52 triệu đơn vị.
Điểm nhấn của thị trường vẫn là các cổ phiếu đầu cơ. Trong khi xuất hiện khá nhiều lệnh mua lớn với giá sàn của các mã đình đám như FLC, HAG, HAR, và HQC thì lượng cung lớn ở mức giá trần lại xuất hiện ở ITA, KSA.
Đóng cửa, FLC giảm 6,06% xuống 6.200 đồng/CP với lượng khớp 20,78 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,29 triệu đơn vị, còn OGC giảm 5,26% đứng giá 3.600 đồng/CP và chỉ khớp 4,61 triệu đơn vị với lượng dư bán ròng gần 0,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ITA và KSA đều nhích nhẹ trên mức tham chiếu với lượng khớp tương ứng 5,76 triệu đơn vị và 3,78 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu đầu cơ SCR và KLF cùng giảm 1 bước giá và dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp lệnh tương ứng 2,56 triệu đơn vị và 2,24 triệu đơn vị.
Trong phiên đầu tuần, ngưỡng cản 520 điểm của VN-Index đã phát huy tác dụng, nhưng để coi là ngưỡng cản mạnh, cần thêm ít nhất một lần kiểm nghiệm nữa.