Với tình hình hiện tại, trái phiếu quốc tế (TPQT) đang trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Giải quyết bài toán về vốn
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,8%, nhu cầu vốn để tài trợ cho các dự án của Chính phủ và đầu tư phát triển DN tại Việt Nam đang ngày càng cấp thiết. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nguồn vốn tín dụng qua kênh ngân hàng truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn viện trợ ODA đang giảm dần khi Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Do đó, phát hành TPQT là kênh huy động vốn mới giúp cộng đồng DN giải quyết bài toán về vốn huy động phục vụ cho nhu cầu phát triển.
Với tổng giá trị TP phát hành bằng VND trong nước và bằng ngoại tệ tại thị trường nước ngoài lần lượt chỉ chiếm 24% GDP và 0,98% GDP, Việt Nam là một trong những thị trường có giá trị TP phát hành thấp nhất Đông Nam Á năm 2015. Phát triển thị trường TP, đặc biệt là TPQT là cần thiết để giải quyết các thách thức: (i) tài trợ nguồn vốn cho giai đoạn phát triển nhanh của kinh tế Việt Nam; (ii) giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng đang chiếm đến 80% nguồn vốn cung ứng trên thị trường; (iii) nâng cao tính minh bạch khi tổ chức phát hành phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và mức độ cung cấp thông tin; (iv) đa dạng hóa danh mục nhà đầu tư giúp cơ cấu nguồn vốn huy động ở mức chi phí hợp lý; (v) tăng tính thanh khoản, tạo mức giá tham chiếu cho các đợt phát hành sau. Ngoài ra, Chính phủ và DN Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu ra thị trường thế giới, giúp TP phát hành trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Năm 2005, Việt Nam lần đầu tiên tham gia thị trường TPQT và thu được những tín hiệu đáng mừng thông qua đợt phát hành 750 triệu USD, kỳ hạn 10 năm của Chính phủ. Đây là đợt phát hành được nhận định là rất thành công khi số lượng các nhà đầu tư có uy tín lớn trên thị trường tài chính thế giới đều tham gia đặt mua đã lên tới con số kỷ lục 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần mức Chính phủ phát hành. Gần đây nhất năm 2014, Chính phủ cũng đã thực hiện thành công đợt hoán đổi TP bằng tiền mặt kết hợp với phát hành TP mới. Giao dịch này nhận được khối lượng đăng ký đặt mua kỷ lục từ 450 nhà đầu tư, gấp 10 lần khối lượng công bố phát hành là 1 tỷ USD.
Một số DN Việt Nam đã phát hành thành công TPQT, bao gồm VietinBank, VinGroup và Hoàng Anh Gia Lai, tuy nhiên đến nay, chỉ còn TP của VietinBank vẫn đang được giao dịch và niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
|
Lợi suất TP Chính phủ và VietinBank trên thị trường quốc tế năm 2016 |
Hỗ trợ từ VietinBank
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ và tiến tới tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để bảo đảm an toàn nợ công từ năm 2017. Đồng thời, hiện nay các ngân hàng nước ngoài đang phải tuân thủ theo Basel III đối với hoạt động cho vay; vì vậy chi phí huy động của các DN thông qua vay vốn ngân hàng nước ngoài sẽ tăng cao. Đây là thách thức lớn đối với các DN nhà nước có nhu cầu vay vốn để thực hiện các dự án trọng điểm của quốc gia nhưng cũng là một cơ hội để DN có năng lực tốt tự vận động và chủ động nguồn vốn thông qua phát hành TPQT. Thực tế hiện nay đã có một số tổng công ty, tập đoàn và DN tư nhân lớn như Masan đã lên kế hoạch phát hành TP ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để phát hành thành công TPQT, một số thách thức đặt ra đối với DN Việt Nam bao gồm: (i) DN chưa quen thuộc với các thủ tục xếp hạng tín nhiệm quốc tế; (ii) DN phát hành TPQT phải tuân thủ cả quy định trong nước và quốc tế về điều kiện phát hành; (iii) hạn chế về năng lực tài chính, kiểm toán và minh bạch hóa thông tin thị trường và DN; (iv) thiếu hiểu biết về khẩu vị đầu tư nhà đầu tư quốc tế để có thể xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường vốn quốc tế một cách tối ưu nhất.
Với kinh nghiệm là tổ chức tín dụng phát hành thành công trên thị trường TPQT, đồng thời có quan hệ chặt chẽ với nhà đầu tư quốc tế do thường xuyên kết nối, trao đổi thông qua các chương trình gặp gỡ thường niên, VietinBank sẵn sàng hỗ trợ các DN Việt Nam trong việc phát hành TPQT. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược lớn như BTMU và IFC, VietinBank sẽ giúp các DN Việt Nam xây dựng được kế hoạch phát hành TP thành công với chi phí tối ưu. Đây sẽ là cơ hội tốt để đẩy nhanh tiến trình thâm nhập thị trường vốn quốc tế của DN Việt Nam, từ đó tạo tiền đề phát triển kênh huy động vốn mới hỗ trợ các DN và xây dựng hình ảnh trên thị trường quốc tế.