Bất cứ ai cũng có thể trở thành đại lý ngân hàng?
25/08/2016       

Công nghệ sẽ giúp mọi người có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng mà không cần phải là một nhân viên ngân hàng. Mọi người đều có thể trở thành một ngân hàng thực sự. Đó là mô hình kinh doanh dịch vụ ngân hàng mới được gọi là Ngân hàng đại lý cá nhân (Agency Banking) và rộng hơn là Ngân hàng không chi nhánh (Branchless banking).

 


 

 

Agency Banking là gì?

 

Ngân hàng đại lý cá nhân có thể được hiểu là mô hình cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua các cá nhân hoặc tổ chức “có điều kiện” hợp tác với một ngân hàng. Đây sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng cho khách hàng dựa trên thương hiệu, nền tảng hệ thống công nghệ và quy trình dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

 

Có thể hình dung mô hình Agency Banking tương tự như mô hình kinh doanh vận tải taxi Uber. Uber là hãng taxi lớn nhất thế giới mà không sở hữu chiếc taxi nào. Uber cho phép những cá nhân có điều kiện (có xe riêng) tham gia cung cấp dịch vụ taxi mọi lúc mọi nơi thông qua một hệ thống công nghệ của mình. Uber kiếm lời từ việc thu phí của tài xế. Còn lái xe thì có thể kiếm thêm thu nhập từ việc vận chuyển hành khách bằng xe riêng của mình.

 

Tương tự như vậy, ngân hàng sẽ hợp tác với cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng được các yêu cầu về tài sản và “phẩm chất đạo đức” để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng ở các vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc khó tiếp cận các điểm giao dịch của ngân hàng. Các cá nhân đại diện này có thể là một chủ cửa hàng, có thể là một công ty kinh doanh ổn định và thuộc dạng giàu có trong vùng. Họ có địa điểm cố định và có thể có một số lượng tiền mặt tương đối. Họ sẽ tự trang bị thiết bị di động hoặc máy tính được kết nối Internet để cài đặt ứng dụng Ngân hàng đại lý cá nhân do ngân hàng cung cấp.

 

Cá nhân đủ điều kiện sẽ ký với ngân hàng một hợp đồng cung cấp dịch vụ ngân hàng trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ với khách hàng và ngân hàng chính. Sau khi ký hợp đồng họ sẽ thực hiện kích hoạt ứng dụng và bắt đầu cung cấp dịch vụ tài chính tại địa phương dựa trên thương hiệu và hệ thống của ngân hàng.

 

Các dịch vụ chính có thể sử dụng thông qua mô hình này gồm: Mở tài khoản, các giao dịch tài chính với hạn mức thấp như: Chuyển tiền, nhận tiền mặt, thanh toán, gửi tiết kiệm hoặc môi giới cho vay. Các giao dịch qua kênh này thường là Mobile với hạn mức thấp. Để đảm bảo an toàn thì mỗi giao dịch phải được xác thực nhiều vòng ba tay (ngân hàng, đại lý và khách hàng) thông qua công nghệ di động.

 

 

Lợi ích mang lại

 

Điểm ưu việt của mô hình này là chi phí triển khai thấp, khả năng mở rộng rất lớn vì vậy có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng nói riêng và cho cộng đồng nói chung.

 

Với cộng đồng nói chung, việc triển khai mô hình này giúp sớm đưa dịch vụ ngân hàng hiện đại về các vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp; tận dụng được nguồn lực của những gia đình khá giả. Người dân được tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với các dịch vụ ngân hàng và giúp Nhà nước hiện thực hóa chính sách phát triển nông thôn mới.

 

Các đại lý hay những cá nhân có điều kiện có thể tăng thu nhập từ phí thu của khách hàng, hoa hồng do ngân hàng trả; giúp dòng tiền nhàn rỗi luân chuyển tốt hơn; đồng thời thu hút được nhiều khách hàng, gia tăng mức độ nhận biết của cửa hàng và tăng cơ hội bán hàng.

 

Đối với khách hàng, so với việc phải đi xa tới 5 - 15 km tới điểm giao dịch của ngân hàng để thực hiện giao dịch thì việc giao dịch qua đại lý gần nhà bất cứ lúc nào có nhu cầu rõ ràng là thuận tiện, chi phí phù hợp và đơn giản hơn bao giờ hết.

 

Còn với ngân hàng việc triển khai mô hình kinh doanh này cần tập trung đầu tư 2 vấn đề lớn là hệ thống phần mềm quản lý và công tác truyền thông mô hình. Bù lại ngân hàng có thể khai thác lượng khách hàng tiềm năng ở các vùng nông thôn; mở rộng tối đa mạng lưới mà không cần mở phòng giao dịch, không phải mất nhiều chi phí; phát triển mạnh kênh kinh doanh Internet Banking, Mobile Banking (kênh thay thế) sẵn sàng cho việc phát triển dịch vụ ngân hàng không chi nhánh trong tương lai, cuối cùng là gia tăng lưu lượng giao dịch, tăng doanh thu từ phí giao dịch.

 

 

Tính khả thi ở Việt Nam?

 

Ở Việt Nam, mô hình này có đất để phát triển tốt vì các lý do sau:

 

• Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam thấp so với thế giới: Chỉ có 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng trong khi trung bình toàn thế giới là 62% (số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2015). Trong đó, chỉ có 19% người ở vùng nông thôn có tài khoản ngân hàng.

 

• Số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng ở các vùng nông thôn còn ít: Có tới 70% lao động làm việc về nông nghiệp và 80% dân số sống ở các vùng nông thôn trong khi đó chỉ có 10% tổng số xã nông thôn có điểm giao dịch NHTM, chiếm khoảng 10% trong tổng số điểm giao dịch trên cả nước.

 

• Ngoài ra Chính phủ có nhiều Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ở các vùng nông thôn.

 

Với các lý do đó, việc triển khai mô hình Ngân hàng đại lý cá nhân ở các vùng nông thôn có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nguồn thông tin đề cập đến mô hình này ở Việt Nam rất hạn chế. Vướng mắc lớn nhất ở Việt Nam là hành lang pháp lý chưa sẵn sàng để cho phép các cá nhân cung cấp dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, về mặt công nghệ hiện nay cũng chưa thấy bất kỳ nhà cung cấp giải pháp nào ở Việt Nam cung cấp giải pháp cho mô hình kinh doanh ngân hàng này. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là những e ngại của ngân hàng về rủi ro ở phía các đại lý như lừa đảo, tiền giả, phá sản, rửa tiền…

 

Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình này ở mọi nơi kể cả ở các thành phố lớn thông qua việc ứng dụng công nghệ ở cấp độ cao hơn có thể thực hiện được. Thông tin VietinBank sẽ tiếp tục quay trở lại với đề tài này trong thời gian tới.

Tin mới hơn
26/03 THÔNG BÁO MỜI HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN 2019 VÀ NHIỆM KỲ 2019-2024
09/12 HĐQT VietinBank bổ nhiệm Tổng Giám đốc và các nhân sự cấp cao
08/12 VietinBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018
01/11 VietinBank có tân Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng Giám đốc
22/10 Thanh toán lãi Trái phiếu VietinBank phát hành đợt 1 năm 2017
17/08 Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank
03/07 VietinBank phát hành 243.510 trái phiếu ra công chúng năm 2018
28/06 VietinBank dẫn đầu về Dịch vụ chăm sóc khách hàng
28/06 Tổng Giám đốc Lê Đức Thọ dự Tọa đàm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018
23/06 Cuộc họp Ủy Ban Chỉ đạo Hợp tác Chiến lược VietinBank - MUFG Bank lần thứ 11
Tin cũ hơn
25/08 VietinBank diễn tập chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn năm 2016
24/08 Giao lưu bóng đá nhân ngày Truyền thống Công an nhân dân
24/08 Thêm nguồn lực cho Ecoba Việt Nam lớn mạnh
22/08 Khối KHDN VietinBank: Bài bản, hiệu quả và bền vững
21/08 Trung tâm TTTM VietinBank: Thương hiệu mạnh tạo niềm tin khách hàng
20/08 Xây dựng và triển khai Chương trình “Thực hành thẩm định hồ sơ tín dụng”
19/08 VietinBank Phú Yên hợp tác phát triển khoa học công nghệ
19/08 Đảng bộ VietinBank sơ kết 6 tháng đầu năm 2016
16/08 CN 11 ký thỏa thuận liên tịch với KBNN và Chi cục thuế
15/08 Đảm bảo hoạt động đầu tư vốn an toàn và hiệu quả

 

Cổ phiếu CTG Bảng giá trực tuyến
37.200
+0,40 (1,09%)


17.01.2025

Khối lượng giao dịch 3.948.300
(-41,36%)
Chỉ số ngành 47,23
(+0,32%)
VNIndex 1249,11
(+0,54%)