Trong số 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối, VietinBank được đánh giá là ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức an toàn, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành Ngân hàng. VietinBank luôn xác định việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược góp phần hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Không né tránh
Trong giai đoạn 2013 - 2015, việc áp dụng Thông tư 02 đã có tác động rõ rệt lên các khoản dư nợ cho vay, đầu tư làm nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/8/2015, nợ xấu của VietinBank vẫn nằm trong tầm kiểm soát và luôn ở mức an toàn.
Hoạt động thu hồi nợ, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ được Ban Lãnh đạo VietinBank quán triệt từ Trụ sở chính đến gần 1.000 phòng giao dịch trong hệ thống.
Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu” diễn ra ngày 6/10/2015, TS. Lê Cẩm Ninh - Phó Phòng Quản lý Nợ có vấn đề của VietinBank cho biết: VietinBank đã thành lập Đoàn công tác, tiến hành tổng rà soát, kiểm tra thực trạng các khách hàng đã và đang đề nghị cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời đánh giá lại tình hình các khoản nợ tiềm ẩn có nguy cơ chuyển nợ xấu khi áp dụng Thông tư 02. Qua kết quả kiểm tra toàn diện các khoản nợ cơ cấu, VietinBank xây dựng biện pháp ứng xử tín dụng đối với từng khách hàng/nhóm khách hàng, đồng thời điều chỉnh nhóm nợ phù hợp với thực trạng sản xuất kinh doanh của khách hàng theo quy định.
Trên thực tế, khi áp dụng các chuẩn mực về phân loại nợ tiệm cận với thông lệ thế giới từ Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu sẽ cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn. Cũng vì thế, HĐQT và Ban Điều hành VietinBank phải chấp nhận áp lực lớn về hiệu quả hoạt động trước các cổ đông.
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, năm 2015, VietinBank áp dụng hệ thống quản trị rủi ro bao gồm ba trụ cột: Rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động/tác nghiệp và rủi ro tín dụng. Hệ thống này giúp VietinBank hạn chế tối đa cũng như phòng ngừa tốt hơn với rủi ro tín dụng.
Chiến lược rõ ràng, triển khai quyết liệt
Với các bộ phận kinh doanh và tác nghiệp, VietinBank đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện hoạt động quản lý rủi ro theo mô hình Khối để củng cố và phát huy vai trò ba vòng kiểm soát độc lập theo thông lệ quốc tế chuẩn Basel II. Hoạt động này nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu trong tương lai.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong thời gian qua, VietinBank đã xem xét cơ cấu lại nợ (theo QĐ780 và Thông tư 09) cho khách hàng giúp chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn, tạo điều kiện để khách hàng trả nợ theo nguồn lực/dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ biện pháp này, một tỷ lệ lớn khách hàng có tiềm năng phục hồi đã vượt qua khó khăn; qua đó, giảm áp lực lên tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng của VietinBank.
Đồng thời với hoạt động đó, đối với những khách hàng vay vốn sử dụng sai mục đích, mất cân đối tài chính, thiếu phương án sản xuất khả thi… VietinBank kiên quyết không cơ cấu lại nợ mà thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng thực trạng kinh doanh của khách hàng. Tiếp đó, VietinBank tiến hành xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm để nhanh chóng thu hồi nợ.
Đặc biệt, trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, VietinBank giao quyền nhiều hơn cho chi nhánh. Cụ thể, chi nhánh được phép quyết định thu hồi tài sản bảo đảm với giá không thấp hơn 70% so với dư nợ gốc được bảo đảm bằng tài sản nhưng với điều kiện: Giá bán tài sản không thấp hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm xử lý. Việc xử lý tài sản phải được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nhờ cơ chế này, một tỷ lệ lớn nợ xấu được giải quyết ngay tại chi nhánh, tránh dồn áp lực về Trụ sở chính.
Thêm một biện pháp xử lý nợ xấu được VietinBank rất quan tâm là chuyển nợ vay thành vốn góp (đảm bảo tỷ lệ đầu tư ngoài ngành theo quy định của NHNN) đối với doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến 30/9/2015, VietinBank đã chuyển nợ vay thành vốn góp thành công 361 tỷ đồng; trong đó, có 136 tỷ đồng nợ xấu nội bảng đã được xử lý.
Cùng với việc tự chủ trong công tác quản lý và xử lý nợ xấu, VietinBank đã thực hiện phương án bán nợ cho VAMC và bán nợ thương mại cho các cá nhân tổ chức có nhu cầu mua nợ. VietinBank chủ động rà soát các khoản nợ xấu đủ điều kiện bán nợ cho VAMC theo lộ trình và thời điểm thích hợp đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu từ NHNN; đồng thời phối hợp với các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ để đàm phán xử lý với các khoản nợ xấu đủ điều kiện bán nợ.
Theo một báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (NHNN), đến hết tháng 8/2015, tỷ lệ nợ xấu của 4 NHTM Nhà nước giảm còn 2,09%; trong khi tại thời điểm tháng 12/2014 là 2,28%, tháng 12/2013 là 2,75% và tháng 12/2012 là 3,18%. Tính riêng từ năm 2012 đến tháng 7/2015, các NHTM Nhà nước đã xử lý được 183,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó 7 tháng của năm 2015 xử lý được 39,74 nghìn tỷ đồng. Trong “bức tranh” về nợ xấu của 4 NHTM Nhà nước nói trên, VietinBank đã đóng góp một phần lớn giúp tạo nên điểm sáng về xử lý nợ xấu. Điều này càng khẳng định niềm tin và uy tín thương hiệu VietinBank đối với cổ đông, khách hàng.
Thời báo Kinh tế Việt Nam