Bên cạnh những ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ thì cũng có những ngân hàng nợ xấu giảm mạnh nhưng lợi nhuận lại âm, tín dụng tăng trưởng không bằng một nửa của toàn ngành.
Cuối tuần qua, một loạt các ngân hàng lớn đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2013. Có những ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ song không ít các ông lớn vẫn chìm trong thua lỗ ở nhiều hoạt động.
Nhiều “ông lớn” vẫn lãi nghìn tỷ
BIDV là ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm qua, với trước thuế 5.311 tỷ đồng và sau thuế 4.065 tỷ, tăng lần lượt 22,8% và 23,9% so với năm 2012.
Trong khi đó, Vietinbank không chỉ dẫn đầu về kết quả kinh doanh của khối ngân hàng thương mại nhà nước mà toàn ngành, với 7.753 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 5.810 tỷ đồng sau thuế. Trong 4 quý thì kết quả kinh doanh quý 4 là yếu nhất, với lợi nhuận giảm hơn 60% so với cùng kỳ.
MB là ngân hàng dẫn đầu về kết quả kinh doanh ở nhóm cổ phần không do nhà nước nắm quyền chi phối. 2013, MB báo cáo đạt 3.014 tỷ đồng trước thuế và 2.278 tỷ đồng sau thuế.
Sacombank cho đến thời điểm này chưa công bố báo cáo nhưng ước đạt trên 2.850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và vượt chỉ tiêu đề ra.
Có nhà băng giảm nhân sự mạnh vẫn thua lỗ
Eximbank là ngân hàng báo lỗ quý 4 với xấp xỉ 222 tỷ đồng (sau thuế). Đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn, ngân hàng này kinh doanh không có lãi trong một quý. Cả năm, Eximbank vẫn lãi 879 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến Eximbank thua lỗ trong 3 tháng cuối năm 2013 là bởi hoạt động kinh doanh âm 208 tỷ đồng trong khi lại phải tăng mạnh mức trích lập dự phòng rủi ro lên 120 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Tại ngân hàng ACB, báo cáo cho thấy hoạt động kinh doanh vàng và chứng khoán đầu tư khiến ngân hàng lỗ trên trăm tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2013. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng cao trong khi các hoạt động khác không lãi nhiều khiến cho trước thuế ngân hàng lỗ 444 tỷ đồng và sau thuế lỗ 293 tỷ. Cả năm 2013, ACB lãi chưa nổi nghìn tỷ, kém hơn cả kết quả đạt được trong năm 2012 – thời điểm ngân hàng này gặp khủng hoảng nghiêm trọng và lỗ đậm về vàng.
Đáng chú ý, cả Eximbank và ACB đều thực hiện cắt giảm nhân sự khá mạnh tay trong năm vừa qua nhằm mục tiêu thanh lọc những nhân sự chất lượng kém và để giảm chi phí. Báo cáo cho thấy, ACB đã cho nghỉ 1.145 nhân viên năm vừa qua còn Eximbank giảm bớt 438 nhân sự.
Nợ xấu giảm nhanh, tín dụng nhiều ngân hàng vẫn yếu
Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính năm vừa qua là các ngân hàng hầu hết giảm rất mạnh về tỷ lệ nợ xấu.Ngân hàng Vietinbank đang dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu thấp với chỉ 1% trên tổng dư nợ, thấp hơn nhiều mức 1,47% thời điểm đầu năm 2013. Nợ xấu của Eximbank và BIDV cũng chưa đến 2%, trong đó của Eximbank là 1,98%, của BIDV ở mức 1,86%.
Tuy nhiên trường hợp đáng chú ý nhất là tại Techcombank. Cuối năm 2013, nợ xấu của ngân hàng này chỉ còn chiếm 3,56% trên tổng dư nợ, trong khi trước đó vào cuối tháng 9 tỷ lệ nợ xấu tới 5,9%.
Ngân hàng ACB vẫn neo nợ xấu ở mức 3% trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2013. Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo, duy có MB tăng tỷ lệ nợ xấu từ 1,85% cuối 2012 lên 2,45% vào cuối 2013.
Tỷ lệ nợ xấu giảm một phần do các ngân hàng tự giải quyết bằng dự phòng, đẩy mạnh thu hồi nợ và một phần quan trọng khác là bán nợ cho VAMC.
Về tăng trưởng tín dụng, theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm qua đạt 12%. Tuy nhiên, trong báo cáo vừa công bố cho thấy, có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên 10% song cũng không ít nhà băng tốc độ tăng trưởng chưa bằng một nửa tốc độ tăng toàn ngành. Cụ thể, ACB thông báo chỉ tăng trưởng tín dụng 4,3%. Tín dụng của Techcombank ở mức 2,95%...
Những ngân hàng có tín dụng tăng chậm đều có chung lý do là họ duy trì chính sách cho vay thận trọng và chú trọng tới chất lượng tài sản.
Đầu tuần này, các ngân hàng khác cũng sẽ công bố kết quả kinh doanh. Với những gì đã thể hiện trong 9 tháng, chắc chắn bức tranh lợi nhuận cả năm vừa qua sẽ được tô điểm thêm nhiều màu sắc.
Thành Hưng
Theo Trí Thức Trẻ