Chi nhánh của SCB vẫn giữ lãi suất vàng cao nhất là 4,35%. Còn tại ngân hàng Tín Nghĩa, sau khi hợp nhất, lãi suất huy động vàng cũng vượt 4%, thay cho mức 3,7% trước đó.
3/1, ngày đầu tiên ngân hàng hợp nhất làm việc, nhân viên một phòng giao dịch của ngân hàng Tín Nghĩa tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, với các khoản gửi mới, lãi suất vàng hiện nay cũng vượt 4% một năm, tính cả lãi suất cộng theo kỳ hạn, số vàng gửi. Trước khi hợp nhất, lãi suất huy động vàng của nhà băng này cao nhất chỉ 3,7% một năm.
Theo đó, với kỳ hạn 2 tháng cho 8 lượng vàng, lãi suất gốc 3,2% một năm, cộng thêm 0,15% ưu đãi khách có sổ vàng gửi lại và thêm số lượng vàng 0,9% thì lãi suất khách hàng nhận được là 4,25% một năm. Song đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất tại chi nhánh này. Theo lời nhân viên giao dịch, với số vàng nói trên gửi trong 6 tháng, lãi suất cao nhất có thể là 4,55% một năm (lãi niêm yết 3,5%, thêm 0,15% ưu đãi gửi lại vàng và 0,9% ưu đãi số lượng vàng).
Nhận xét về mức lãi suất huy động vàng đội lên cao vượt 4% của một số đơn vị trong thời gian qua, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội cho hay, cách huy động này tương đối nguy hiểm. Nếu nhà băng có thể chuyển thành tiền đồng để bù đắp thanh khoản, thì trong trường hợp giá vàng biến động mà đến kỳ hạn trả vàng cho người gửi, rủi ro tương đối lớn. Chênh lệch giá quá cao, ngân hàng có thể phải bù lỗ, ông bày tỏ.
Ông bày tỏ, người dân đang có xu hướng gửi vàng nhiều hơn so với các kênh khác như tiền đồng hay ngoại tệ. Với một số đơn vị huy động với lãi suất cao, việc chuyển thành VND cũng không đơn giản, vì hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép một số đơn vị chuyển một số nhất định thành tiền đồng. Hơn nữa, việc sử dụng vàng là tài sản đảm bảo để vay vốn trên liên ngân hàng cũng không dễ dàng, trong bối cảnh các nhà băng ngại cho nhau vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng khác tại Hà Nội lại cho rằng, việc huy động vàng của một số nhà băng cũng chỉ là giải pháp đa dạng hóa hoạt động và công cụ dự phòng trong trường hợp cần thiết, không có ý nghĩa nhiều trong giải quyết thanh khoản. Nguyên nhân là tính thanh khoản của vàng không cao, nhận từ dân, nhà băng cũng chỉ cất trong kho và không chuyển hóa được thành tiền đồng. Ngân hàng ông cũng huy động vàng, nhưng số lượng ít vì tính thanh khoản của vàng không cao, ông nói.
Cuộc đua lãi suất huy động vàng của một số ngân hàng rục rịch từ tháng 10, khi giá vàng trong nước ngày càng bỏ xa mốc 40 triệu đồng một lượng. Các ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn cũng vào cuộc, đẩy lãi suất xa 1% một năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước, trong Thông tư 11 cũng chủ trương sẽ ngừng việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng vào 1/5/2012, bên cạnh chấm dứt cho vay bằng vàng từ 1/5/2011. Các nhà băng cũng được khuyến khích đưa dần lãi suất huy động vàng về 0% một năm.
Tuệ Minh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.