(Vietstock) - Năm 2011 đã chính thức khép lại với vô vàn khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Biến động phức tạp về lãi suất, tỷ giá và giá vàng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh vào ngày 04/01/2012, Vietinbank (CTG) đã vững vàng vượt qua cơn bão tài chính để gặt hái được thành công vượt bậc so với năm trước. Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt xa mức kế hoạch được ĐHĐCĐ giao.
Bên cạnh tổng tài sản và vốn điều lệ tăng mạnh so với năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank tăng 76% so với năm 2010 và đạt mức 8,105 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Lợi nhuận trên có được là do đóng góp đáng kể từ hoạt động tín dụng và đầu tư.
Mặc dù điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nguồn vốn huy động của các ngân hàng liên tục sụt giảm, đặc biệt là trên thị trường 1, Vietinbank vẫn có mức tăng trưởng huy động đạt 24.4%. Điều này giúp cho Ngân hàng luôn ổn định về tính thanh khoản không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường 1 hay vay nợ đồng lần trên thị trường 2.
Tăng trưởng tín dụng và đầu tư của Vietinbank, do đó, cũng tăng tương ứng 24.8%, đóng góp một phần lớn vào lớn nhuận của ngân hàng năm 2011. Như vậy, sau gần 3 năm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần, với sự cố gắng nỗ lực, có chiến lược định hướng, chỉ đạo kinh doanh tích cực, minh bạch, an toàn, hiệu quả với tinh thần chủ động, sáng tạo, năm qua toàn hệ thống đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Các chỉ tiêu tăng trưởng cao, hoạt động kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, VietinBank tiếp tục đổi mới, nâng cấp công tác tổ chức, quản trị điều hành đồng thời đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, kiểm soát nợ xấu. Kết quả là mặc dù tăng trưởng tín dụng và đầu tư ở mức cao nhưng nợ xấu của Vietinbank vẫn được kiểm soát rất tốt và ở mức rất thấp 0.74% so với bình quân của ngành là khoảng 3.6-3.8% vào cuối năm 2011.
Kết quả kinh doanh của Vietinbank càng trở nên ấn tượng hơn khi đặt trong mối tương quan với những ngân hàng khác trong ngành. Các chỉ tiêu thống kê ở bảng dưới đây cho thấy hiệu quả hoạt động của Vietinbank và một số ngân hàng lớn.
Trong số 4 ngân hàng cổ phần lớn, Vietinbank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất. Lợi nhuận năm 2011 của Vietinbank vượt rất xa so với Vietcombank và BIDV là những ngân hàng có sự chênh lệch về vốn điều lệ cũng như tổng tài sản không nhiều. Cụ thể là lợi nhuận của Vietinbank cao hơn Vietcombank 42%, gấp gần 2 lần so với BIDV và gấp gần 3 lần so với Sacombank.
Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của Vietinbank là ROA và ROE luôn ở mức rất cao so với trung bình của ngành. Cụ thể là ROA và ROE của Vietinbank tương ứng là 1.96% và 25.4%, cao hơn so với Vietcombank là 1.3% và 17.5% và cao hơn nhiều so với mức trung bình của ngành là ~1.2% và ~15%. Với ROA, ROE và tỷ lệ cổ tức luôn ở mức cao so với ngành, CTG là cổ phiếu có sức hấp dẫn lớn trong việc mang lại giá trị dài hạn cho các nhà đầu tư cơ bản.
Vietinbank cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao nhất trong số 4 ngân hàng lớn trong danh sách nói trên. Xét về số tuyệt đối, Vietinbank cũng là ngân hàng huy động được một lượng vốn lớn nhất từ thị trường 1 so với 4 ngân hàng trong danh sách. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của cả 4 ngân hàng nói trên đều thấp hơn rất nhiều so với mức chung của ngành là 3.6-3.8%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank và Sacombank cũng ở mức thấp so với 2 ngân hàng còn lại.
Bên cạnh kết quả hoạt động kinh doanh tốt, Vietinbank cũng là doanh nghiệp đi đầu đóng góp thực hiện công tác an sinh xã hội. Từ năm 2007 đến nay tài trợ trên 1,500 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2011 tài trợ 664 tỷ đồng. Vietinbank cũng là ngân hàng liên tục đứng trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam trong những năm gần đây.
Ngoài công tác an sinh xã hội, Vietinbank còn là ngân hàng luôn quan tâm đến lợi ích của cán bộ nhân viên. Không chỉ tổ chức đào tạo thường xuyên đối với cán bộ, Vietinbank còn chủ trương thu hút những cán bộ giỏi làm việc tại ngân hàng thông qua mức lương cao và chế độ đãi ngộ hợp lý. Đây chính là nguyên nhân khiến năng suất lao động và hiệu quả làm việc và lợi nhuận của Vietinbank cao hơn so với các ngân hàng khác. Thực tế cho thấy, Vietinbank luôn là ngân hàng trả lương cho cán bộ cao nhất trong ngành ngân hàng trong những năm gần đây.
Nối tiếp những thành công vượt bậc của năm trước, Vietinbank đề ra chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2012 như sau: Tổng tài sản tăng 20%; nguồn vốn huy động tăng 25%; dư nợ cho vay tăng 20%; nợ xấu dưới; lợi nhuận trước thuế tăng 20%; nộp ngân sách 2.600 tỷ đồng; tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 10%; vốn điều lệ đạt 30 ngàn tỷ đồng; chỉ số CAR khoảng 10%.
Dự kiến ngày 03/03/2012, Vietinbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 tại khách sạn Melia, số 44 B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội và sẽ trình đại hội cổ đông thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011, kế hoạch năm 2012, phương án tăng vốn điều lệ năm 2012...
So với những ngân hàng lớn khác, chỉ tiêu kế hoạch mà Vietinbank đặt ra cho năm 2012 là tương đối cao so với kế hoạch của các ngân hàng tính đến thời điểm đầu tháng 1/2012.
Mặc dù năm 2012 được dự báo vẫn là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng với chiến lược kinh doanh đúng đắn và bề dày kinh nghiệm quản lý của ngân hàng hàng đầu, Vietinbank vẫn đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, lợi nhuận cũng như tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác như Vietcombank và BIDV. Bên cạnh đó, Vietinbank cũng quyết tâm nâng cao chất lượng tài sản và đảm bảo tốt mức độ an toàn vốn thông qua việc duy trì NPL ở mức thấp và CAR ở mức cao.
Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của ban lãnh đạo và với ý chí quyết tâm, sự nhất trí đồng lòng của trên 18,000 cán bộ nhân viên, Vietinbank sẽ gặt hái được thành công trong năm mới 2012 và các năm tiếp theo để xứng đáng với danh hiệu ngân hàng chủ lực và là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.