Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao tiếp cận dịch vụ ngân hàng
02/11/2016       

Đó là nội dung chính được đề cập tại Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành Ngân hàng về thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1726) do NHNN tổ chức ngày 2/11/2016.

 

Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì, có sự tham dự của các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN; lãnh đạo chi nhánh NHNN; đại diện lãnh đạo hội sở chính các TCTD; lãnh đạo chi nhánh của các TCTD đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố tại 64 điểm cầu trực tuyến.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định:  Đây là một trong những đề án quan trọng với nền kinh tế, đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng, khu vực doanh nghiệp và người dân.

 

Đề án 1726 đã khẳng định về những thành quả đạt được của ngành Ngân hàng trong phát triển và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Một là, kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng xét về kênh truyền thống hay hiện đại đã liên tục phát triển. Hai là, sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng, phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Ba là, chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục và chi phí giao dịch, có sản phẩm dịch vụ ngân hàng tự động 24/24 giờ. Bốn là, mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng gia tăng mạnh.

 

Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, thách thức mà hệ thống ngân hàng cần cải thiện. Đó là tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn; gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng, cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.

 

Bởi vậy, Chính phủ chủ trương phải nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Nội dung quan trọng nhất của Đề án 1726 gồm 8 mục tiêu cụ thể, 6 nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề án đã đề ra 7 nhóm giải pháp rất đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Qua 7 nhóm giải pháp có thể thấy, để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng thì rất cần sự vào cuộc, phối kết hợp của các bộ, ngành khác. Điều này đã khẳng định tại bản kế hoạch triển khai 14 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án được đính kèm Quyết định 1726 nhằm tạo lập môi trường kinh doanh phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng, đơn giản, dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân, doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, Đề án nên được tiếp cận trên 3 giác ngộ. Đó là khả năng tiếp cận dịch vụ thông qua các mạng lưới, điểm giao dịch và kênh cung ứng của hệ thống ngân hàng. Số lượng và chất lượng dịch vụ của ngành Ngân hàng và mức độ sử dụng dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp. Từ đó, ông khuyến nghị các TCTD khi xây dựng phương án cần dựa trên 3 điểm cốt lõi nêu trên.

 

Đề cập tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển dịch vụ ngân hàng, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay: Đối với dịch vụ ngân hàng nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng, muốn phát triển được phải có cơ chế chính sách, xác lập hạ tầng kỹ thuật, cung cấp sản phẩm dịch vụ, xem xét trải nghiệm của khách hàng, phổ cập tài chính toàn xã hội. "Đó là những cốt lõi trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ thanh toán", ông Tiên nhấn mạnh.

 

Về phía các ngân hàng, ông Phạm Đức Tuấn - Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất NHNN, các NHTM nên lưu tâm đối với việc mở rộng mạng lưới, sắp xếp mạng lưới phù hợp để đảm bảo nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ ngân hàng.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Gắn liền với đó là các cơ chế về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, phát triển kênh cung ứng sản phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân; cải tiến chính sách, quy trình, đơn giản hóa thủ tục, thiết kế sản phẩm đơn giản dễ tiếp cận đối với người dân và doanh nghiệp… Qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận của nền kinh tế trên cả 3 phương diện: số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ, kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ và mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh một lần nữa: Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung, trong đó có chiến lược bộ phận phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế là một trong những đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện chiến lược tổng thể phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025. Thay đổi căn bản, toàn diện, diện mạo của hệ thống ngân hàng từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm thiểu rủi ro tín dụng và giảm nợ xấu.

 

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị tại Hội sở chính của NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các TCTD tập trung xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện cụ thể theo nhiệm vụ được phân công; định kỳ có báo cáo phản ánh về NHNN qua Viện Chiến lược ngân hàng để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Theo Thời báo ngân hàng

Tin mới hơn
13/02 Tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu
06/02 Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm
11/01 Những nội dung triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018
10/01 “Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”
08/01 Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD
12/12 Hội nghị tập huấn phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng
01/12 Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch
28/11 Các ngân hàng tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng trên 1.844 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang
27/11 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ngân hàng ASEAN lần thứ 47
21/11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao
Tin cũ hơn
25/10 Cần thông tư liên Bộ để gỡ khó xử lý nợ xấu
21/10 Đẩy mạnh tiết kiệm kích thích tăng trưởng kinh tế
21/10 Ngành Ngân hàng khuyến khích phát triển thanh toán điện tử
11/10 Tín dụng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế
11/10 Dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục: Tín hiệu vui với nền kinh tế
29/09 Đến 20/9 tín dụng tăng 10,46%, lãi suất cho vay giảm
19/09 Yêu cầu TCTD dừng cho vay mới trả nợ trước hạn và cho vay tuần hoàn
16/09 Gói 30.000 tỷ: NHNN giải thích lý do không gia hạn giải ngân cho nhóm DN
13/09 Đến 31/8, tín dụng tăng 9,67%
08/09 Đến 23/8, tín dụng tăng 9,09%, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng

 

Cổ phiếu CTG Bảng giá trực tuyến
32.800
-0,20 (-0,61%)


26.04.2024

Khối lượng giao dịch 8.972.900
(+80,77%)
Chỉ số ngành 47,23
(+0,32%)
VNIndex 1209,52
(+0,38%)