“Đây là kế hoạch quan trọng giúp VietinBank tăng vốn trong năm 2015. Đồng thời là bước chuẩn bị cần thiết để VietinBank tiếp tục phát triển bền vững cả về chất và lượng, vừa tăng cường mở rộng quy mô vừa đảm bảo tăng trưởng đi đôi với khả năng kiểm soát rủi ro, khả năng quản trị” - ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ với Thông tin VietinBank.
VietinBank có kế hoạch tăng vốn lên 49.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, thưa ông?
Sau khi thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi sang ngân hàng TMCP năm 2008, VietinBank đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh. VietinBank đã khẳng định được vai trò là NHTM lớn, chủ đạo, trụ cột của Ngành Ngân hàng Việt Nam. Về quy mô hoạt động, VietinBank đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn tự có. Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank tăng dần lên theo các năm. Cuối năm 2009, vốn điều lệ của VietinBank từ mức 11.252 tỷ đồng lên mức 15.172 tỷ đồng vào cuối năm 2010; năm 2011 tăng lên 20.230 tỷ đồng (gồm bán cổ phần cho IFC) và tiếp tục tăng lên 37.234 tỷ đồng vào năm 2013 (gồm bán cổ phần cho BTMU). Dự kiến trong năm 2015, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên 49.000 tỷ đồng.
Ông có thể cho biết việc tăng vốn điều lệ này có ý nghĩa như thế nào đối với VietinBank?
Việc tăng vốn điều lệ này có ý nghĩa quan trọng, có tính chất quyết định đến việc tồn tại và phát triển của VietinBank trong tương lai.
Với vai trò là NHTM lớn chủ đạo, chủ lực của nền kinh tế, việc nâng cao năng lực tài chính sẽ giúp VietinBank mở rộng kế hoạch kinh doanh. Thông qua đó, VietinBank đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp cũng như bà con nhân dân. Bên cạnh đó, VietinBank có thêm điều kiện để thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh như: Mở rộng quy mô tài sản, tiêu chuẩn hoá các dịch vụ, quản trị ngân hàng, quản trị nguồn nhân lực, tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới, các hoạt động đầu tư liên doanh, góp vốn và phát triển các dịch vụ bán lẻ.
Đặc biệt, tăng vốn điều lệ là điều kiện cần thiết để VietinBank vừa phát triển kinh doanh, vừa hội nhập quốc tế, vừa là “cánh tay đắc lực” của Chính phủ, NHNN trong việc thực thi các chính sách tiền tệ. VietinBank cùng với các NHTM Nhà nước dẫn dắt, chi phối hệ thống NHTM để thực hiện tốt nhất các chủ trương, chính sách của NHNN về lãi suất, tỷ giá, cũng như thực hiện các chương trình tín dụng. Thông qua đó, Ngành Ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước.
Hơn nữa, bất cứ một NHTM Việt Nam nào nếu muốn tham gia, hội nhập vào thị trường tài chính trong khu vực và thế giới đều phải thực hiện và tuân thủ đầy đủ Hiệp ước Basel II. Nhận thức được yêu cầu đó, VietinBank luôn đi đầu, tích cực triển khai xây dựng các quy trình, tính toán mức độ rủi ro phù hợp với Hiệp ước này. VietinBank lượng hóa đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, không chỉ rủi ro về tín dụng mà còn rủi ro về hoạt động, thị trường. Thông qua đó, VietinBank phải chuẩn bị một nguồn lực, một lượng vốn đủ lớn để đối phó được với tất cả rủi ro có thể xảy ra.
Khi tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, VietinBank có quy mô vốn tương đương với các ngân hàng trung bình ở khu vực. Như vậy, VietinBank có khả năng cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các ngân hàng trong khu vực thời gian tới. Bên cạnh đó, VietinBank phấn đấu trở thành NHTM Nhà nước duy nhất, đầu tiên tại Việt Nam đạt trình độ khu vực về quy mô vốn, quản trị điều hành, công nghệ, khả năng cạnh tranh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Chính phủ cũng như NHNN.
Thưa ông, tại sao VietinBank lại chọn năm 2015 để tăng vốn lớn như vậy? Điều này có liên quan đến giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu ngân hàng hay không?
Việc tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với việc gia tăng sử dụng nguồn lực, do đó cần phải xem xét và tính toán cẩn thận đối với nguồn lực được huy động và sử dụng thêm, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn là tối ưu.
Trong những năm qua, VietinBank luôn chủ động xem xét và tính toán nhu cầu vốn thực sự cần thiết, đồng thời đã thực hiện tăng vốn phù hợp với quá trình phát triển. Trong giai đoạn tới, với việc dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động và với mục tiêu nâng cao khả năng quản lý, quản trị rủi ro theo các thông lệ quốc tế, VietinBank dự kiến việc tăng vốn để đáp ứng các nhu cầu là cần thiết.
Thời gian qua, VietinBank luôn chủ động xây dựng các kế hoạch tăng vốn phù hợp với lộ trình phát triển, mục tiêu kinh doanh đồng thời đảm bảo các quy định trong kinh doanh ngân hàng. Tôi cho rằng, trong năm 2015 VietinBank tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết để tập trung thực hiện lộ trình và chiến lược tiếp tục mở rộng kinh doanh kể cả bán buôn, bán lẻ đồng thời tăng cường khả năng quản trị rủi ro theo đúng thông lệ quốc tế.
Chính vì vậy, việc chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn ngay từ thời điểm này là một bước đi chiến lược, phù hợp với quá trình thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2015 - 2020 của VietinBank đồng thời thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện VietinBank đã được Chính phủ phê duyệt.
Sáp nhập PG Bank vào hệ thống, VietinBank đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Ngoài con số này, VietinBank làm thế nào để đạt được con số 49.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, thưa ông?
Đúng vậy, việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank sẽ giúp VietinBank nâng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank dự kiến sẽ sử dụng thêm nguồn thặng dư vốn cổ phần hiện có để tăng vốn. Đồng thời, cũng trong năm 2015 VietinBank sẽ hoàn thành kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trên thị trường có thời hạn 5 - 10 năm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Gia Hân