Lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm đều thừa nhận, thị trường sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2012, song không có nghĩa là tăng trưởng của ngành chậm lại, đồng thời, tăng trưởng cũng sẽ bền vững hơn nhờ các doanh nghiệp đều xác định nâng cao chất lượng.
Bán lẻ sẽ cạnh tranh gay gắt
Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI)
Năm 2012, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Điều này cũng sẽ tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc mở rộng khách hàng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, trong năm 2012, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vô cùng gay gắt, đặc biệt trong việc khai thác các sản phẩm bán lẻ.
Nhận thức được những khó khăn này, chúng tôi dự kiến triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế sẵn có của PTI như nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và các hoạt động chăm sóc khách hàng, xây dựng nhiều sản phẩm mới phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, trong đó, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dành cho cá nhân.
Tăng cường hợp tác trong cạnh tranh
Ông Bùi Đức Song, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC)
Năm qua là một năm nhiều thiên tai với các biến động bất thường của thời tiết, gây nên tổn thất tài sản tương đối nghiêm trọng. Các công ty bảo hiểm phải chịu tỷ lệ bồi thường lớn. Tuy nhiên, rủi ro trong nền kinh tế gia tăng kéo theo nhu cầu bảo hiểm tăng cao. Còn năm 2012, dự báo thị trường bảo hiểm phát triển tương đối khả quan, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không trội hơn năm 2011 nhiều. Để thị trường ngày càng phát triển lành mạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, có ích cho nền kinh tế; nâng cao năng lực tài chính, trình độ nghiệp vụ bảo hiểm, quy trình quản lý rủi ro; nâng cao chất lượng trong hoạt động khai thác, giám định, bồi thường và các doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác trong cạnh tranh.
Cạnh tranh về chất lượng dịch vụ
Ông Tôn Lâm Tùng, Quyền Tổng giám đốc, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC)
Năm 2012, dự báo các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn nhưng sẽ từng bước được tháo gỡ, các cơ hội mới sẽ đến và khởi động mạnh mẽ. Đối với thị trường bảo hiểm, các khó khăn tất nhiên vẫn còn và các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần nhiều nỗ lực hơn năm cũ để có thể duy trì tốc độ phát triển, tăng trưởng lợi nhuận cùng với kiểm soát tỷ lệ bồi thường. Tuy nhiên, các yếu tố mới về cơ chế, chính sách, khai phá các phân khúc thị trường mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường phát triển.
Các doanh nghiệp sẽ dành một nguồn lực thích hợp để khai thác phân khúc khách hàng cá nhân, thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, giảm phụ thuộc vào các sản phẩm và kênh phân phối truyền thống và cũng để phân tán rủi ro.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tập trung vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng, đẩy nhanh thời gian và chất lượng giải quyết bồi thường, coi đây là công cụ để cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, lựa chọn rủi ro.
Một xu hướng nữa trong năm 2012 là các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để qua đó, tăng cường năng lực quản trị, công nghệ, tiến dần đến chuẩn mực quốc tế.
Tiếp tục tăng trưởng hàng chục phần trăm
Ông Takashi Fujii, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam
Những khó khăn chung của nền kinh tế đã gây ra những tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm thời gian qua. Tuy nhiên, với tính lâu dài và ý nghĩa bảo vệ tài chính của bảo hiểm nhân thọ, thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Thị trường bảo hiểm năm 2012 dự đoán sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những biến động khó dự đoán của thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, 2012 là năm khá sôi động với thị trường bảo hiểm Việt Nam, mức độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tiếp tục tăng trưởng ở con số hàng chục phần trăm. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có những điều chỉnh phù hợp để gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, đồng thời, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.