Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch
01/12/2017       
Ngày 01/12/2017 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi tọa đàm nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc xác định các tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
 

Buổi tọa đàm do ông Trần Văn Tần - Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN và Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo và cán bộ các ngân hàng thương mại (NHTM), chuyên viên một số đơn vị thuộc NHNN và Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 738 ngày 14/3/2017 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Đồng thời, ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

 

image

 

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN khai mạc Tọa đàm

 

Đến nay, sau gần 6 tháng triển khai chương trình đã đạt kết quả tích cực. Dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng, chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

 

Tuy nhiên, việc cho vay đối với chương trình của các NHTM vẫn còn gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn khi NHTM xác định khách hàng đáp ứng  tiêu chí về dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định. Do vậy, buổi Tọa đàm này được tổ chức nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc xác định các tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

 

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của NHNN trong việc triển khai Chương trình này. Trong đó, quan trọng là NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/04/2017 hướng dẫn, chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình với một số nội dung chủ yếu: (i) Các NHTM tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM; (ii) Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật; (iii) Quy định về việc các NHTM chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng khi khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; (iv) Quy định về việc các NHTM sẽ được NHNN xem xét quyết định việc loại trừ dư nợ cho vay trung, dài hạn khi tính tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo quy định của NHNN; (v) Yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đầu mối chỉ đạo các NHTM trên địa bàn thực hiện chương trình; phối hợp với các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, thành phố giám sát việc cho vay và kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chương trình. Cùng với đó, NHNN đã kịp thời phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; ngoài ra còn tổ chức các đoàn công tác của NHNN khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố để nắm bắt việc cho vay đối với một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, NHTM trong quá trình triển khai chương trình.

 

image

 

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng No&PT nông thôn Việt Nam phát biểu ý kiến

 

Trong quá trình triển khai, các NHTM đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bước đầu đã có 8 NHTM cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả; đồng thời đã có văn bản chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống và xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này. Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngân hàng tiên phong, chủ động dành nguồn vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ để cho vay; có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành. Các NHTM khác như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển cũng chủ động trong việc ban hành chính sách cho vay và tìm kiếm khách hàng thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thẩm định và xem xét cho vay.

 

Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm cho rằng, việc triển khai cho vay vốn theo Chương trình này hiện nay, có một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Việc cho vay đối với khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều do số lượng doanh nghiệp còn hạn chế. Trong thực tế, việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định,… . Bên cạnh đó, do hiện tại đang là thời gian đầu triển khai chương trình, nhiều khách hàng đang tìm hiểu về chương trình để đối chiếu quy định về tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nên chưa nộp hồ sơ vay vốn.

 

Đặc biệt, các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chung chung, chưa phù hợp, NHTM khó xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo Chương trình.

 

Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan đến việc người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các NHTM.

 

image

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ No&PT nông thôn giải đáp các vướng mắc của các NHTM

 

Để đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai chương trình như vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp, thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp tạo điều kiện cho khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng.

 

Các đại biểu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tạo điều kiện cho các NHTM đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình; giới thiệu những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có hiệu quả trên toàn quốc để NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp cận, thẩm định và cho vay.

 

Các đại biểu cho rằng, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cần mở rộng thêm đối tượng được vay vốn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017.

 

Các đại biểu cũng đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện các giải pháp nêu trên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình.

 

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho rằng, việc đẩy mạnh triển khai cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do vậy, các NHTM cần tiếp tục cân đối nguồn vốn để cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận khách hàng để cho vay đối với các dự án trong lĩnh vực này theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai phát sinh vướng mắc, các NHTM có văn bản gửi NHNN, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để được giải đáp, hướng dẫn cụ thể.

 

Theo SBV

Tin mới hơn
13/02 Tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu
06/02 Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm
11/01 Những nội dung triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018
10/01 “Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”
08/01 Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD
12/12 Hội nghị tập huấn phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng
Tin cũ hơn
28/11 Các ngân hàng tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng trên 1.844 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang
27/11 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ngân hàng ASEAN lần thứ 47
21/11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao
14/11 Ngân hàng Việt Nam – Những dấu ấn của 10 tháng đầu năm 2017
10/11 Hội thảo quốc tế thường niên “Ngân hàng và Fintech: Cơ hội và thách thức”
09/11 Tín dụng chính sách là công cụ quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững
07/11 Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam
06/11 Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) “Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”
06/11 Thống đốc Lê Minh Hưng: Tăng trưởng nhưng phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô
01/11 An ninh mạng, An ninh khách hàng và cách mạng công nghệ tác động mạnh đến thanh toán quốc tế

 

Cổ phiếu CTG Bảng giá trực tuyến
32.950
+1,45 (4,60%)


24.04.2024

Khối lượng giao dịch 9.012.800
(-16,46%)
Chỉ số ngành 47,23
(+0,32%)
VNIndex 1205,61
(+2,40%)