Kiều hối tiếp tục tăng mạnh
Tin Tức - 11/12/2014       
Càng gần cuối năm, dòng kiều hối chảy về càng nhiều. Các ngân hàng cho biết, năm nay dòng kiều hối về sớm hơn và tiếp tục tăng trưởng tốt. Dự báo năm 2014, lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 12 - 13 tỷ USD (tăng trên 10% so với năm ngoái).
 
Dồi dào ngoại tệ
 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm hàng đầu thế giới về thu hút kiều hối. Điều này giúp thị trường ngoại tệ nói chung có thặng dư tốt trong cán cân thanh toán tổng thể cũng như trong cán cân thương mại.
 
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố trong 11 tháng qua ước đạt 4,4 tỷ USD (bằng 92% của cả năm 2013 là 4,8 tỷ USD), dự báo cả năm sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay từ các thị trường chính như: châu Mỹ, châu Âu, châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong đó, lượng kiều hối từ thị trường châu Á tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm hiện nay, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng 5,2% tổng lượng kiều hối.
 
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết: Lượng kiều hối về ngân hàng chiếm khoảng 15 - 17% thị phần, tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội... Ngân hàng Vietcombank cũng cho hay: Doanh số đến thời điểm này là trên 1,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm doanh số Vietcombank đạt gần 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 11,6% thị phần. Luồng kiều hối đổ về chủ yếu là thị trường Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc... nơi có đông người Việt sinh sống và làm việc.
 
Đại diện NHNN cho hay: Trong khoảng 3 năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng. Năm 2011, lượng kiều hối về Việt Nam là 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD và năm 2013 là 11 tỷ USD. Một số dự báo của các tổ chức kinh tế - tài chính gần đây cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam năm 2014 sẽ tiếp tục khả quan.
 
Chính sách vĩ mô ổn định
 
Theo nhận định của NHNN, lượng kiều hối dịp cuối năm được chuyển về nhiều là nhờ chính sách vĩ mô ổn định. Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi theo hướng quản lý ngoại hối chặt chẽ, thu hút được đồng bào người Việt ở nước ngoài. Trong đó, nguồn kiều hối ở phân khúc người lao động Việt Nam tại nước ngoài tăng trưởng tốt hơn nhờ số lượng cũng như chất lượng lao động người Việt ở nước ngoài được cải thiện.
 
Mạng lưới chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua các kênh: Hệ thống NHTM, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước. NHNN cũng chỉ đạo các NHTM tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại xử lý giao dịch thanh toán chuyển tiền, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện.
 
Ngoài ra, chính sách xuất khẩu lao động được triển khai tốt, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng lên. Một số NHTM đã có công ty chuyển tiền toàn cầu, hoạt động chuyên nghiệp trong việc khai thác các thị trường chuyển tiền về Việt Nam và đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán cá nhân.
 
Bên cạnh đó, những quy định về hoạt động ngoại hối được Nhà nước đơn giản hóa cũng góp phần thu hút kiều hối như: Quy định về thuế được bãi bỏ; không hạn chế số lượng tiền; người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập; không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng; người Việt Nam ở nước ngoài còn được tạo điều kiện thuận lợi mua nhà ở và đầu tư trong nước...
 
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện thị trường bất động sản đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu một phần nhờ dòng kiều hối. Báo cáo của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 74,2% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 21,8% chảy vào lĩnh vực bất động sản (tăng gần 1% so với cùng kỳ) và 4% còn lại là thân nhân gửi về trợ giúp khó khăn cho người thân.
 
Bên cạnh lượng kiều hối đổ về đầu tư thì xu hướng chuyển tiền về cho người thân ăn Tết cũng rất nhiều, khoảng 30 - 35% so với tổng lượng kiều hối cả năm. Theo đó, sẽ có một lượng kiều hối lớn có thể đã chuyển sang tiền đồng và mang đi gửi tiết kiệm. Hơn nữa, việc huy động VND trong thời gian qua tăng trưởng mạnh so với huy động bằng ngoại tệ, do chênh lệch lãi suất hấp dẫn ở mức 4 - 5%/năm so với ngoại tệ. Vì thế, thời gian gần đây, các ngân hàng, các công ty kiều hối đã tung ra nhiều khuyến mãi, ưu đãi để thu hút dòng tiền này.
 
Đề cập về tác động dòng kiều hối đối với kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Kiều hối đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các ngân hàng, giúp họ giảm áp lực, cân đối được nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm. Đặc biệt, đối với một đất nước vẫn đang nhập siêu nhiều thì lượng kiều hối sẽ đảm bảo cân bằng cán cân thương mại. Đây là đóng góp rất quan trọng của kiều hối. Thực tế chứng minh, nhiều năm nay, chúng ta không gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngoại hối, phần nào là nhờ dòng kiều hối đồng bào Việt kiều ở nước ngoài gửi về”.
 
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để tiếp tục giữ kiều hối về Việt Nam, điều quan trọng là kinh tế trong nước và các chính sách đối với nguồn vốn này phải ổn định. Bởi, sự ổn định chính sách tỷ giá có vai trò quan trọng trong thu hút kiều hối. “Thời gian qua, NHNN làm đúng chức năng nhiệm vụ quản lý, nâng cao giá trị đồng VND. Còn với giá cả ngoại tệ thì có lúc lên lúc xuống do tâm lý, sự dao động trong một chừng mực nhất định do tính thời vụ là điều phải chấp nhận. Nhất là thông lệ năm nào cũng vậy, cuối năm giao dịch ngoại tệ thường tăng để thanh toán đơn hàng, nhập khẩu hàng... Chúng ta không nên áp đặt tư duy kế hoạch hóa trước đây. Vì chúng ta đã, đang phát triển theo nền kinh tế thị trường luôn vận động có tăng có giảm. Và giá cả ngoại tệ, như tôi nói ở trên, hãy để thị trường lên tiếng”, một chuyên gia kinh tế nói.
 
Hải Yên - Minh Phương
 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tin mới hơn
13/02 Tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu
06/02 Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm
11/01 Những nội dung triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018
10/01 “Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”
08/01 Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD
12/12 Hội nghị tập huấn phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng
01/12 Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch
28/11 Các ngân hàng tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng trên 1.844 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang
27/11 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ngân hàng ASEAN lần thứ 47
21/11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao
Tin cũ hơn
11/12 Moody's nâng triển vọng ngân hàng Việt Nam
05/12 Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo
04/12 Tín dụng tăng 10,2%
21/11 Cấm ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu nếu nợ xấu trên 3%
19/11 23 tổ chức tín dụng phải kiểm toán độc lập về nợ xấu
09/11 NHTM được ủy thác cho NHTM khác để góp vốn, mua cổ phần
07/11 Việt Nam vừa phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, lãi suất 4,8%
04/11 Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB-
29/10 Việt Nam khởi động kế hoạch bán trái phiếu quốc tế
21/10 Cuối tháng 8/2014: Số dư quỹ dự phòng rủi ro của các TCTD là 78,5 nghìn tỷ đồng

 

Cổ phiếu CTG Bảng giá trực tuyến
31.600
-1,10 (-3,36%)


19.04.2024

Khối lượng giao dịch 13.040.500
(-32,24%)
Chỉ số ngành 47,23
(+0,32%)
VNIndex 1174,85
(-1,52%)